Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo tỉnh cần tiếp tục đổi mới bộ máy của hệ thống chính trị thật sự gọn nhẹ, chuyên nghiệp, liên thông gắn với lộ trình số hóa và nâng cao hiệu quả quản trị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Sáng 3/2, tại thành phố Vĩnh Yên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2023), 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Vĩnh Phúc (2/3/1963-2/3/2023).
Cùng dự có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành ở Trung ương, Quân khu 2, một số địa phương và tỉnh Vĩnh Phúc; đại biểu lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, đại diện các tầng lớp nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc...
Vĩnh Phúc vinh dự được 8 lần đón Bác Hồ về thăm
Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết tỉnh Vĩnh Phúc đã vinh dự được 8 lần đón Bác Hồ về thăm, đặc biệt trong lần thăm thứ 7, ngày 2/3/1963, Người đã căn dặn “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta.”
60 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc luôn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ.
Vùng đất quê hương của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - “cha đẻ” của chủ trương “khoán hộ,” với quan điểm “phải để nông dân làm chủ ruộng đất của mình” đã vươn lên mạnh mẽ không ngừng, đạt nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội.
Từ một tỉnh thuần nông, với sự năng động, đổi mới, sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo trong thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc đã trở thành một tỉnh công nghiệp - một trung tâm công nghiệp sản xuất ôtô, xe máy của cả nước, một địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm đến 93,15%; nông lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn 6,85%.
Thu ngân sách hàng năm tăng nhanh và năm 2022 đạt hơn 40.000 tỷ đồng, nằm trong số ít địa phương có số thu nội địa cao nhất cả nước; nhiều năm liền chỉ đứng sau Thủ đô Hà Nội.
Công nghiệp, dịch vụ, du lịch phát triển, thu hút đầu tư trở thành điểm sáng của cả nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1997-2022 đạt 13,27%/năm.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 9,54% so với năm 2021 (cao hơn mức bình quân chung cả nước, đứng thứ 5 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 17 cả nước); quy mô GRDP bình quân đầu người ước đạt gần 5.500USD/người (đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng, thứ 9 cả nước).
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng các cấp, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân vươn lên ngang tầm yêu cầu phát triển...
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Vĩnh Phúc là vùng đất lịch sử, chính trị và văn hóa lâu đời.
Trong lịch sử lập quốc và phát triển mấy nghìn năm của đất nước, ở bất cứ thời kỳ nào, trên bất cứ phương diện nào, đồng bào vùng đất này cũng tận hiến to lớn, góp phần làm rạng danh lịch sử hào hùng và bất diệt của dân tộc.
Xứng đáng với Người, 60 năm qua, trong đó có hơn 36 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc không ngừng đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Khi tái lập năm 1997, từ một tỉnh thuần nông, hôm nay Vĩnh Phúc là một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế-xã hội, một trong số ít các tỉnh, thành phố có giá trị sản xuất công nghiệp và tổng thu ngân sách cao trong cả nước.
“Từ diễn đàn trọng thể này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tựu rất đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc qua các thời kỳ,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chú trọng tìm kiếm các năng lực sản xuất mới, động lực phát triển mới
Chủ tịch Quốc hội cho rằng từ năm 1963, Bác Hồ đã mong muốn “Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta,” chứng tỏ Bác đã nhìn thấy tiềm năng rất lớn của Vĩnh Phúc. Để hiện thực hóa lời căn dặn của Bác, Vĩnh Phúc còn phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa.
Cụ thể, theo Chủ tịch Quốc hội, tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng song hành và chặt chẽ với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Trước mắt, soát xét, đánh giá và tổng kết một bước việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu tới giữa nhiệm kỳ; đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung phù hợp và thực thi đồng bộ các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu tham dự buổi lễ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
“Trước những khó khăn, thách thức ngày càng lớn, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Vĩnh Phúc trong thời kỳ mới phải thật sự trân trọng, bảo vệ khát vọng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần “khoán 10” năm xưa; cổ vũ ý chí tự lực tự cường, tinh thần cống hiến, khát vọng giàu có và khát vọng phồn vinh. Bác đã nói như vậy thì khát vọng giàu có và khát vọng phồn vinh phải thấm vào nhận thức, hành động của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, của mỗi cán bộ, chiến sỹ, mỗi người dân và toàn bộ hệ thống chính trị Vĩnh Phúc, tạo sức mạnh tổng thể và động lực mới vì sự phát triển đột phá, nhanh, bền vững và nhân văn trong những năm tới để sớm hiện thực hóa lời căn dặn và kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu. Đất nước chúng ta nuôi hoài bão, ý chí, khát vọng hùng cường còn Vĩnh Phúc phải nuôi dưỡng hoài bão và khát vọng giàu có, khát vọng phồn vinh - mức rất cao của sự phát triển,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Vĩnh Phúc cần tìm tòi, đổi mới phương thức, làm chuyển biến thực chất công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; sàng lọc, phát triển đội ngũ đảng viên thật sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức thật sự liêm chính, tôn trọng và phục vụ nhân dân.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đổi mới bộ máy của hệ thống chính trị thật sự gọn nhẹ, chuyên nghiệp, liên thông gắn với lộ trình số hóa và nâng cao hiệu quả quản trị.
Chủ động phát hiện, bồi dưỡng hạt nhân tiêu biểu, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập, làm theo Bác và những lời dặn dò của Bác khi Người về thăm tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội mong Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, gắn chặt với huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy cao nhất tiềm năng, các lợi thế và vị trí cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội nhằm xây dựng Vĩnh Phúc xứng đáng là tỉnh giữ vị thế quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng; trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; đồng thời, vẫn chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tăng cường xây dựng nông thôn mới, đủ tiêu chí và điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; chú trọng tìm kiếm các năng lực sản xuất mới, động lực phát triển mới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham quan trưng bày ảnh Bác Hồ về thăm tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tỉnh cũng cần coi trọng phát triển kinh tế đồng bộ với thực sự phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ và phát triển toàn diện môi trường sống một cách nhân văn, trên nền tảng các giá trị truyền thống, mang bản sắc của vùng đất và con người Vĩnh Phúc, hài hòa với vùng, với cả nước và sự tiến bộ của thời đại.
“Tất cả nhằm mục tiêu: Chăm lo và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh giữ vị trí địa chiến lược quan trọng, tỉnh cần coi trọng nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên là tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, trực tiếp bảo đảm an ninh nông thôn, an ninh công nghiệp và yên dân, triệt tiêu từ sớm, từ xa, từ gốc các yếu tố có khả năng gây mất ổn định nhằm bảo đảm môi trường sống và sản xuất an toàn, ổn định, thân thiện để không ngừng thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước phát triển kinh tế, xã hội, môi trường hiện đại, bền vững và nhân văn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho các tập thể có nhiều thành tích trong 60 năm làm theo lời Bác. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã trao Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tặng 9 tổ chức Đảng có thành tích nổi bật trong 60 năm thực hiện lời Bác dạy.
Cũng tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã phát động thi đua trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/chu-tich-quoc-hoi-du-le-ky-niem-60-nam-ngay-bac-ho-ve-tham-vinh-phuc/844058.vnp