Cập nhật: 04/02/2023 07:56:00
Xem cỡ chữ

Đề thi là rất rộng, dữ liệu vô cùng phong phú nên không một trung tâm nào, một đơn vị nào có đủ khả năng luyện thi đối với bộ đề thi khổng lồ này. Học sinh không nên "sa lầy" vào các lò luyện.

Không có mẹo nào trong ôn luyện

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đào Tuấn Đạt, Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc các trường đại học có kỳ thi riêng để chọn chất lượng đầu vào cho phù hợp là dễ hiểu khi kỳ thi tốt nghiệp THPT

Thế nhưng mỗi kỳ thi đều có ưu nhược điểm riêng. Việc các trường đua nhau tổ chức các kỳ thi riêng, chắc chắn sẽ "đẻ" ra các lò luyện khiến nhiều người lo ngại tình hình thi cử sẽ trở về như trước thời kỳ thi "3 chung".

Trường đại học cảnh báo thí sinh ôn theo lò luyện chỉ đạt điểm trung bình - 1

Không có bất cứ mẹo mực nào trong việc ôn thi bởi không thầy cô nào bao quát hết nội dung đề thi đánh giá năng lực (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông Đạt cho rằng, việc học ở lò nào hoàn toàn không phải lỗi của các em bởi học sinh lo thì "vái tứ phương". Vấn đề là các cơ quan chức năng có quản lý được hay để các lò luyện biến tướng.

Nói về kỳ thi đánh giá năng lực, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định thí sinh không cần luyện thêm ở lò.

Tất cả nội dung đề thi đều nằm trong chương trình nên các em chỉ cần nắm chắc kiến thức.

Trước lo ngại một số trung tâm bên ngoài mượn danh nhà trường để mở lò luyện, GS Minh cho rằng, việc nào không vi phạm pháp luật thì ông không kiểm soát nhưng ông có nói với giáo viên rằng, đừng nhân danh trường Đại học Sư phạm Hà Nội để làm điều gì không đúng.

Cũng theo Hiệu trưởng này, với việc ra đề thi như hiện nay, không có bất cứ thầy cô nào có mẹo trong việc ôn luyện.

"Các thầy cô tham gia ra đề thi được tập trung độc lập, đấy là phần nguồn. Sau đó, đội ngũ khác tiến hành thẩm định để có một ma trận đề.

Các câu hỏi thi đều đã được chuẩn hóa trước khi cho vào ngân hàng đề thi. Khi được cho vào ngân hàng, đề thi sẽ là một tổ hợp ngẫu nhiên các câu hỏi, không phải là đề thi của riêng thầy, cô nào cả", GS Minh nói.

Trong quá trình chuẩn hóa, các câu hỏi có thể sẽ được thay đổi, được điều chỉnh. Ví dụ, với một câu hỏi mà tất cả thí sinh làm được (sẽ ít ý nghĩa trong đánh giá) sẽ bị loại. Hoặc một câu mà không một thí sinh nào làm được, cũng sẽ bị loại.

Trường đại học cảnh báo thí sinh ôn theo lò luyện chỉ đạt điểm trung bình - 2

Không nên "sa lầy" vào các lò luyện

Với quy trình ra đề như trên, theo GS Minh, sẽ không có một thầy, cô nào chi phối được việc ra đề hay nắm giữ bí quyết đề thi. Nếu có ai quảng cáo như vậy để thu hút học sinh học luyện thi, mong các em và các phụ huynh không tin.

Về điều này, ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, thí sinh cần có kế hoạch học tập nghiêm túc, nghiêm chỉnh và nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình trung học phổ thông là hoàn toàn đạt kết quả cao.

Bài thi Đánh giá năng lực không giới hạn trong tư liệu, dữ liệu, trong sách giáo khoa mà hoàn toàn kiểm tra năng lực và kiến thức của thí sinh.

Do vậy, tất cả các tư liệu Đại học Quốc gia Hà Nội có thể lấy bên ngoài, các kiến thức, văn chương, văn học, tất cả những tác phẩm tồn tại ở Việt Nam hoặc là tác phẩm văn học nước ngoài, đều có thể đưa vào ngữ liệu để đánh giá thí sinh đạt được chuẩn hay là đánh giá tư duy ngôn ngữ của thí sinh trong khi xử lý vấn đề.

Do vậy đề thi là rất rộng, dữ liệu vô cùng phong phú nên không một trung tâm nào, một đơn vị nào có đủ khả năng luyện thi đối với bộ đề thi khổng lồ của đơn vị này.

"Qua thống kê những năm vừa qua nếu học sinh bị sa lầy vào những trung tâm luyện thi, đôi khi các em sẽ lãng phí về thời gian và kinh tế mà dễ rơi vào tình trạng học lệch, học tủ. Như vậy các em chỉ đạt điểm ở mức trung bình", ông Thảo nói.

Theo Mỹ Hà/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/truong-dai-hoc-canh-bao-thi-sinh-on-theo-lo-luyen-chi-dat-diem-trung-binh-20230203120354756.htm