Khi triển khai chương trình GDPT 2018, nhiều trường vẫn thiếu giáo viên. Với các bộ môn tích hợp, một giáo viên không thể dạy được trọn môn.
Bước sang năm thứ 3 thực hiện Chương trình GDPT 2018, ông Phạm Huy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc triển khai với các lớp theo lộ trình đã cơ bản đi vào nề nếp. Việc lựa chọn SGK đúng quy trình, minh bạch, cung ứng SGK cơ bản đáp ứng nhu cầu. Giáo viên đã thực hiện tốt việc tự chủ chương trình, khai thác có hiệu quả SGK, nguồn học liệu và các thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh. Học sinh hoàn thành tốt các mục tiêu cần đạt theo quy định của chương trình, phát huy được các phẩm chất, năng lực trong quá trình học tập.
Ảnh minh họa.
Theo ông Hưng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại tỉnh Bắc Kạn còn gặp không ít khó khăn về các điều kiện thực hiện. Đến nay, đội ngũ giáo viên hiện còn thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu theo từng môn học, cấp học, một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Đặc biệt là cấp tiểu học vẫn thiếu giáo viên dạy môn Tin học, Tiếng Anh lớp 3, một số môn học khác do chưa tuyển dụng đủ số lượng nên nhiều giáo viên vẫn phải dạy vượt định mức và phải sử dụng thêm đội ngũ giáo viên hợp đồng.
Từ thực tế này, ông Hưng kiến nghị, cần sớm điều chỉnh chính sách tiền lương đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho phù hợp. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cần phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ không thực hiện cắt giảm biên chế giáo viên đối với ngành GD-ĐT, đồng thời nghiên cứu thực hiện tinh giản có xem xét tới yếu tố vùng, miền…
Nói về thực hiện chương trình GDPT mới, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS-THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho biết, thuận lợi lớn nhất là nhà trường và giáo viên được chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình. Việc có nhiều bộ SGK giúp giáo viên có nhiều tư liệu phục vụ dạy học, nguồn học liệu phong phú, đa dạng hình thức dạy học.
Chương trình mới phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới, có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của nhà trường. Nội dung kiến thức có tính ứng dụng thực tế nên học sinh hứng thú tiếp nhận kiến thức, phát huy được năng lực của học sinh.
Các môn tích hợp giúp tinh giản, tránh chồng chéo nội dung, giảm hợp lý số môn học, giúp học sinh liên kết các nhóm kiến thức liền mạch, xuyên suốt; học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học vào giải quyết các tình huống thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, gần gũi với cuộc sống.
Bên cạnh những thuận lợi, theo cô Nguyễn Thị Minh Thúy, việc triển khai chương trình GDPT 2018 tại trường Nguyễn Siêu cũng còn một số khó khăn. Trong đó, lớn nhất là sự thiếu ổn định về đội ngũ giáo viên, khi giáo viên vẫn có tâm lý muốn vào trường công hoặc muốn chuyển đổi công việc ngay trong hệ thống trường tư. Ngoài ra, sự chênh lệch về tuổi tác, thế hệ giáo viên cũng dẫn tới khó khăn trong tập huấn tiếp cận chương trình.
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết vẫn gặp một số khó khăn về vấn đề giáo viên khi triển khai chương trình GDPT mới
“Việc giảng dạy các bộ môn tích hợp như Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lí còn khó khăn khi một giáo viên không thể dạy được trọn môn. Năng lực giáo viên giảng dạy chưa đồng đều, do sự chênh lệch về thế hệ, tuổi tác, chất lượng đào tạo, tuổi lao động gây nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với chương trình mới về những thay đổi trong phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; cũng như tư tưởng đổi mới về quan điểm giáo dục và mục tiêu dạy học. Nhiều giáo viên lâu năm đã quá quen với chương trình cũ, nên gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian trong việc tiếp cận, thực hiện chương trình mới, đổi mới còn chậm chạp. Cấp THPT chưa có hướng dẫn về việc thi tốt nghiệp THPT, dẫn tới các nhà trường còn nhiều lúng túng trong việc xây dựng các tổ hợp môn lựa chọn lựa chọn các môn học. Giáo viên, học sinh và cả phụ huynh vẫn hoang mang trong lựa chọn môn học, chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng”, cô Thúy cho biết.
Bên cạnh đó, theo cô Thúy, tác động của hơn 2 năm Covid-19 tới học sinh khối lớp 3 làm cho giáo viên rất vất vả và công tác truyền thông tới phụ huynh về việc lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 còn hạn chế dẫn tới việc lựa chọn tổ hợp cảm tính cũng là 2 vấn đề được cho là khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại trường Nguyễn Siêu.
Một trong những đề xuất được Hiệu trưởng và nhiều giáo viên của nhà trường trao đổi là Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn chuẩn đầu ra của chương trình mới và phương án thi tốt nghiệp năm 2025.
Trực tiếp giảng dạy, cô Tô Lan Hương, giáo viên môn Ngữ Văn trường Nguyễn Siêu cũng cho rằng, chương trình GDPT 2018 là một sự "lột xác", thay đổi tư duy môn học mà theo cách nói của Nguyễn Tuân là “xưa nay chưa từng có”. Chương trình mới làm thay đổi hẳn lối học vẹt, tư duy học gì thi nấy, trở thành lối mòn.
Trước đây học sinh chỉ chú ý vào những bài đọc hiểu, sau đó đi thi, phân tích theo các dạng đề có sẵn, còn hiện nay học sinh được học và phát triển cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, đây là điểm rất mới. Tuy nhiên, theo cô Hương, khi tiếp cận với chương trình mới, cả giáo viên và phụ huynh đều hoang mang, điều này thể hiện rõ trong các đợt kiểm tra lớp 10 năm nay.
Cô Lan Hương dẫn chứng, nếu như trước đây học sinh học 5 tác phẩm, giáo viên sẽ ôn tập cho các em theo 5 tác phẩm ấy, các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ cũng sẽ rơi vào các tác phẩm đó, như vậy kết quả đầu ra cũng sẽ khác. Còn hiện nay, giáo viên dạy cho học sinh cách đọc, nghe, nói, cách viết và khi đánh giá, ngữ liệu không có trong SGK. Những ngữ liệu giáo viên dạy sẽ chỉ mang tính tham khảo, giúp làm sáng tỏ kỹ năng đọc thể loại, học sinh sẽ phải “chiến đấu” với những tác phẩm hoàn toàn mới. Điều này khiến học sinh lớp 10 khá hoang mang.
Về phía giáo viên, theo cô Tô Lan Hương, thầy cô cũng gặp không ít thách thức, với môn Ngữ văn, giáo viên cần thay đổi cách dạy truyền thống sao cho mới và cuốn hút, việc soạn giáo án cũng khó và cần đầu tư nhiều thời gian hơn. "Để khắc phục điều này, tổ Ngữ văn phải huy động trí tuệ tập thể, mỗi người một ý kiến và việc sinh hoạt chuyên môn sẽ hỗ trợ được cho giáo viên trong việc tháo gỡ khó khăn khi tổ chức các hoạt động dạy học với học sinh", cô Hương cho biết./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/van-loay-hoay-voi-bai-toan-thieu-giao-vien-khi-trien-khai-chuong-trinh-moi-post1003347.vov