Nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Nga tại Ukraine gần như là không có khả năng xảy ra, ít nhất là trong ngắn và trung hạn, tuy nhiên vẫn hoàn toàn có thể xảy ra nếu xung đột lan rộng sang một quốc gia thành viên NATO trong khu vực.
Cuộc chiến ở Ukraine đã diễn ra được tròn 1 năm và cho đến thời điểm này, Tổng thống Biden và giới chức Mỹ tiếp tục khẳng định Washington sẽ không gửi quân đến tham chiến trực tiếp tại Ukraine
Cách tiếp cận này của chính quyền Tổng thống Biden hiện nay trong vấn đề Ukraine cũng phần nào phản ánh chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ, đặc biệt là của đảng Dân chủ, đó là theo đuổi lợi ích của Mỹ trong khi tránh đụng độ trực tiếp với đối thủ.
Ukraine khai hỏa pháo phản lực BM-21 Grad ở khu vực Donetsk. Ảnh: Reuters
Đây là cách tiếp cận thận trọng, cân bằng giữa rủi ro và cơ hội nhưng dường như là biện pháp phù hợp nhất để có thể từng bước gia tăng vị thế quân sự cho các quốc gia đồng minh và giảm thiểu nguy cơ gây ra xung đột quy mô lớn, chiến tranh thế giới hoặc khu vực. Chính vì thế, nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Nga tại Ukraine gần như không có khả năng xảy ra, ít nhất là trong ngắn và trung hạn.
Trên thực tế, theo thông tin được tiết lộ từ giới chức quân sự Mỹ thì Bộ Quốc phòng nước này cũng đã cử một số nhóm chuyên gia đến Ukraine nhưng nhiệm vụ chủ yếu là kiểm tra các loại vũ khí do Mỹ cung cấp đang được quân đội Ukraine sử dụng. Mặc dù không thông báo rõ số lượng, thời điểm hoặc vị trí triển khai nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, các nhóm chuyên gia này không tham chiến trực tiếp bên cạnh quân đội Ukaine cũng như không được triển khai ra tiền tuyến.
Khả năng đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Nga tại Ukraine là không lớn nhưng hoàn toàn có thể xảy ra nếu xung đột lan rộng sang một quốc gia thành viên NATO trong khu vực. Cho đến nay, Mỹ đã gửi hàng chục nghìn quân đến các nước thành viên NATO xung quanh Ukraine như Ba Lan, Romania, Hungary hay các nước vùng Baltic. Tổng thống Biden và lãnh đạo các nước NATO cũng đều khẳng định Mỹ và NATO sẽ đáp trả mọi cuộc tấn công vào bất cứ thành viên nào của khối. Ngoài ra, theo nhận định của giới chức Mỹ, trong trường hợp Nga thực hiện các hành động được đánh giá là khủng khiếp hoặc gây sốc cho cộng đồng quốc tế thì Mỹ và các quốc gia đồng minh buộc phải phản ứng, có thể là một liên minh đa quốc gia do Mỹ lãnh đạo chứ không phải chỉ riêng khối NATO.
Mặc dù đối đầu Mỹ - Nga chưa diễn ra nhưng vũ khí của Mỹ và phương Tây đã đối đầu trực tiếp trên chiến trường khi các nước bắt đầu tăng tốc viện trợ xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, tên lửa phòng không… cho Ukraine.
Ngoài ra, đối đấu trực tiếp Nga - Mỹ liên quan đến Ukraine cũng đang diễn ra ở các mặt trận khác như cô lập Nga tại các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, trong lĩnh vực kinh tế là các biện pháp trừng phạt, tách hệ thống tài chính của Nga ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, áp mức trần giá dầu xuất khẩu, trừng phạt nhiều quan chức, doanh nghiệp của Nga. Chính vì thế, nếu đối đầu trực tiếp Mỹ - Nga tại Ukraine diễn ra thì sẽ mang lại hậu quả thảm khốc không chỉ đối với khu vực mà còn tác động đến toàn thế giới./.
Theo Phạm Huân - Vũ Hợp/VOV-Washington
https://vov.vn/the-gioi/danh-gia-ve-nguy-co-doi-dau-truc-tiep-my-nga-tai-ukraine-post1003717.vov