Cập nhật: 13/03/2023 10:00:00
Xem cỡ chữ

Trả lời xét hỏi, nhóm bị cáo là cựu cán bộ của ngân hàng VietABank liên tục kêu oan, họ đổ lỗi cho nhau trong khâu hoàn thiện hồ sơ, giúp sức cho "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt gần 274 tỷ đồng của ngân hàng.

Giúp sức cho "siêu lừa" chiếm đoạt tiền

Chủ nhật (12/3), HĐXX dành phần lớn thời gian xét hỏi 11 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ của ngân hàng VietABank trong vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt 433 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, tại Ngân hàng VietABank, các bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp), Nguyễn Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng quan hệ khách hàng) và Quản Trọng Đức (Trưởng phòng giao dịch Đông Đô) đã giúp sức cho Hà Thành thực hiện 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 274 tỷ đồng của ngân hàng này và 63 tỷ đồng của nhiều cá nhân khác.

Cụ thể, Thành đã thống nhất Thu Hương và Đức sẽ cùng người đồng sở hữu gửi tiết kiệm số lượng tiền lớn vào VietABank. Nhưng ngay sau khi gửi tiền, Thành sẽ cầm cố chính sổ tiết kiệm để vay lại tiền của ngân hàng.

Cáo trạng cho rằng, khi Thành đề nghị gửi tiền, Thu Hương chỉ đạo giao dịch viên in, ký trước các hồ sơ để thủ tục được nhanh gọn hoặc ký khống chứng từ nộp tiền, trong khi Thành vẫn chưa nộp đủ. Hương cũng trấn an người đồng sở hữu sổ tiết kiệm rằng tiền gửi đã được phong toả, không có mặt cả hai người đồng sở hữu sẽ không thể rút.

Trong khi đó, bị cáo Quản Trọng Đức phổ biến với các nhân viên VietABank rằng Thành là khách hàng “VIP” nên phải hỗ trợ tối đa.

Cơ quan truy tố quy kết Thu Hương chỉ đạo các giao dịch viên, thủ quỹ lập các chứng từ của bộ hồ sơ vay đưa cho Hương để chuyển lại cho Thành và người đồng sở hữu ký. Song trên thực tế, Thành không cho người đồng sở hữu biết việc thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền ngân hàng mà bị cáo cùng đồng phạm tự giả chữ ký của người đồng sở hữu sau đó đưa lại bộ hồ sơ có chữ ký giả này cho Thu Hương để hoàn tất thủ tục giải ngân.

8 cựu cán bộ, nhân viên khác của VietABank bị cáo buộc có hành vi duyệt cấp tín dụng, giải ngân cho các khoản vay của Thành mà bỏ qua nhiều khâu kiểm soát. Họ không gặp gỡ khách hàng, chủ sở hữu tài sản đảm bảo để kiểm tra tính xác thực dẫn đến việc bị giả mạo chữ ký.

Giúp ‘siêu lừa’ chiếm đoạt hàng trăm tỷ, nhóm cán bộ VietABank đổ lỗi cho nhau ảnh 1

Bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Kêu oan, đổ lỗi cho nhau

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng, bị cáo và đồng nghiệp phải hầu tòa hôm nay cũng vì mục tiêu làm khách hàng hài lòng, chăm sóc khách hàng hết mức có thể, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cho chi nhánh.

Theo Thu Hương, Hà Thành là khách “VIP” do bị cáo chăm sóc và có nhiệm vụ trợ giúp. Bản chất việc Thành vay tiền khách hàng khác chỉ diễn ra trong ngày, thậm chí vài giờ. Mỗi lần Thành vay tiền, Thu Hương đều trấn an những người đồng sở hữu sổ tiết kiệm rằng, đã lập các giấy xác nhận phong tỏa tài khoản nhằm mục đích để họ yên tâm đi về và nghĩ rằng không ai ngoài họ rút được tiền.

Hương nhận thức được hành của mình đều sai và cái sai này do thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương. "Nếu chị Quỳnh Hương không đưa ra yêu cầu, thì bị cáo và các nhân viên khác cũng không làm", Thu Hương nói vừa dứt lời thì đại diện Viện kiểm sát hỏi: “Tức là tất cả do Quỳnh Hương chỉ đạo nên bị cáo mới làm?”. Thu Hương đáp “đúng”.

Trong khi đó, bị cáo Quỳnh Hương phản bác lời khai của Thu Hương. Đồng thời, kêu oan với cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”.

Quỳnh Hương cho hay, bị cáo biết việc Hà Thành và Thu Hương bàn bạc, lập kế hoạch vay tiền. Tại ngân hàng, Quỳnh Hương nói bản thân cũng tự bỏ tiền vào sổ tiết kiệm, góp với khách để cho Thành vay. Do đó, bị cáo nhiều lần khẳng định: “Tôi dại gì đi lừa đảo đồng tiền của chính mình".

Đối với cáo buộc ký các tờ trình duyệt vay tiền cho Hà Thành, Quỳnh Hương cho rằng, đó chỉ là bước thủ tục mang tính chủ trương. VietABank giải ngân cho Thành hay không, không phụ thuộc vào mình, bởi khâu thẩm định hồ sơ vay vốn do bộ phận khác làm.

Cũng tại phiên tòa hôm nay, HĐXX mời một trong số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án đối chất. Số này có người nói, họ không quen Hà Thành, cũng chưa từng gặp...

Trong khi có người đối chất lại nói chính Quỳnh Hương là người gọi điện chia sẻ việc Hà Thành làm ăn lớn, có nhiều dự án đầu tư bất động sản nên đề nghị cho Thành mượn sổ tiết kiệm để chứng minh năng lực tài chính. Do tin lời nói của Quỳnh Hương, lại muốn mở rộng quan hệ với Hà Thành để mua nhà đất giá ưu đãi sau này nên đồng ý.

Một số khác thì cho rằng, các sổ tiết kiệm trị giá hàng chục tỷ đồng liên quan đến vụ án hiện vẫn bị ngân hàng phong tỏa chiều rút, trong khi lãi đổ về mỗi năm chỉ 1%. Vì vậy, họ đề nghị ngân hàng VietABank đền bù thiệt hại.

Còn Nguyễn Thị Hà Thành được gọi lên đối chất đã nói, tại VietABank bị cáo chỉ quan tâm việc vay được tiền hay không. Còn hồ sơ làm như thế nào đều do Nguyễn Thị Thu Hương và nhóm cán bộ của ngân hàng này giúp.

Theo Hoàng An/tienphong.vn

https://tienphong.vn/giup-sieu-lua-chiem-doat-hang-tram-ty-nhom-can-bo-vietabank-do-loi-cho-nhau-post1517005.tpo