Với nhiều tiềm năng du lịch đa dạng, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc sắc gồm du lịch hoài niệm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch lễ hội.
Hoa lê nở rộ vào dịp tháng 3 hàng năm thu hút đông đảo du khách đến huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)
Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan tươi đẹp, sắc màu văn hóa đa dạng với 22 dân tộc cùng sinh sống.
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch theo hướng bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đa dạng hóa các loại hình du lịch... Với nhiều loại hình du lịch phong phú, Tuyên Quang đang trở thành điểm đến hấp dẫn.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết với gần 500 di tích lịch sử, văn hóa cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, Tuyên Quang được đánh giá là “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống và là địa điểm tham quan hấp dẫn của du khách với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn.
Xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, tỉnh đã xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc sắc gồm du lịch hoài niệm (Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình); du lịch nghỉ dưỡng (suối khoáng Mỹ Lâm); du lịch tâm linh (các đền, chùa tại thành phố Tuyên Quang); du lịch sinh thái (Na Hang, Lâm Bình); du lịch lễ hội (Lễ hội thành Tuyên, Lễ hội nhảy lửa).
Bên cạnh việc duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, tỉnh xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới. Đó là du lịch mạo hiểm - bay khinh khí cầu, đua xe đạp địa hình, khám phá hang động, khám phá, du lịch trải nghiệm trong rừng tại huyện Na Hang; bơi mảng - Hát Then trên hồ Nà Nưa tại Tân Trào, huyện Sơn Dương.
Tỉnh hình thành, đầu tư điểm checkin tại các điểm du lịch tại Na Hang, Lâm Bình; phát triển mô hình đón khách du lịch trải nghiệm theo mùa như lễ hội hoa lê, mùa vàng Hồng Thái (huyện Na Hang); khai trương tuyến phố đi bộ tại huyện Hàm Yên, thành phố Tuyên Quang; chú trọng phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống phục vụ du lịch.
Tỉnh đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như tích hợp cơ sở dữ liệu du lịch vào quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chợ đêm Na Hang (Tuyên Quang). (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)
Tỉnh hoàn thành hạng mục Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng; cải tạo, nâng cấp Quảng trường Tân Trào đưa vào sử dụng; hoàn thành công trình Bảo tàng Tân Trào và phòng chiếu phim; khởi công xây dựng Làng Văn hóa du lịch và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào.
Hệ thống nhà hàng, khách sạn và ẩm thực truyền thống độc đáo được tỉnh quan tâm, phát triển. Toàn tỉnh hiện có trên 395 cơ sở lưu trú, trong đó có một khách sạn 4 sao; trên 250 nhà hàng ẩm thực có quy mô lớn; trên 70 tàu, thuyền vận chuyển khách du lịch tại lòng hồ thủy điện Na Hang, Lâm Bình;12 công ty, văn phòng và đại lý lữ hành.
Tỉnh đã có 128 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; có ba sản phẩm là cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, bưởi Soi Hà được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Với sự đầu tư đồng bộ, du lịch Tuyên Quang đang ngày càng khởi sắc, lượng du khách tăng từng năm. Năm 2022, tỉnh thu hút hơn 2,3 triệu lượt khách du lịch; doanh thu xã hội từ du lịch đạt 2.475 tỷ đồng.
Chia sẻ về phương hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết tỉnh sẽ tiếp tục huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch.
Sở hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình kinh doanh du lịch đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch. Cùng với đó, Sở phối hợp với các công ty du lịch, lữ hành lớn để khảo sát, tìm hiểu thị trường, kết nối các tour, tuyến quảng bá sản phẩm du lịch nổi bật của Tuyên Quang với các địa phương trọng điểm về du lịch.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng chứng nhận Kỷ lục về tuyến đường hoa lê dài nhất Việt Nam cho Ủy ban Nhân dân huyện Na Hang. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)
Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa, con người Tuyên Quang trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội…; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quy mô cấp tỉnh để quảng bá và thu hút khách du lịch như khai mạc chương trình Năm Du lịch tỉnh Tuyên Quang 2023, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần thứ 2, Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023.
Tuyên Quang phấn đấu năm 2023 thu hút trên 2,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu xã hội về du lịch đạt 3.000 tỷ đồng./.
Theo Vũ Quang (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/den-tuyen-quang-de-trai-nghiem-du-lich-hoai-niem/851723.vnp