Với sự phát triển của khoa học và công nghệ như ChatGPT, một số ngành học như phiên dịch, kế toán sẽ biến mất trong tương lai. Vậy thí sinh nên có lựa chọn ngành học ra sao?
Mang câu hỏi đến với một số chuyên gia tuyển sinh mới đây, một phụ huynh ở Hà Nội cho hay, con mình rất thích ngành kế toán nhưng bố mẹ dự đoán ngành này sẽ biến mất trong tương lai vì sự ra đời của ChatGPT. Vậy, các con có nên thi vào và theo học, đồng thời các chuyên gia có dự đoán gì về ngành này?
PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch hội đồng trường Học viện Tài chính chia sẻ, công nghệ là phương tiện để ứng dụng trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau chứ không phải công nghệ thay thế hoàn toàn một số ngành.
Do đó, các phụ huynh, học sinh yên tâm bởi trường học bao giờ cũng là nơi cập nhật, ứng phó nhanh nhất, có những ngành đào tạo tốt nhất, giúp các ngành nghề tiếp tục phát triển.
Nhân viên Trường Đại học Thăng Long tư vấn cho thí sinh tại Hà Nội (Ảnh: M.H).
Cũng theo chuyên gia này, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, nhiều ngành học sẽ có những điều chỉnh về chương trình, mục tiêu đào tạo để sát nhu cầu về nhân lực.
Tất cả các ngành, bao gồm cả ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng..., ứng dụng AI rất nhiều. Những công việc ban đầu sẽ có sự chuyển đổi. Do đó con người phải thay đổi rất nhiều, thậm chí thay đổi cả tư duy.
Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho rằng, không chỉ ngành kế toán mà nhiều ngành cũng đang gặp thách thức trước những biến động và sự phát triển của công nghệ.
Các cơ sở đào tạo cần đón trước sự phát triển công nghệ để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp.
"Tuy nhiên, công nghệ chỉ hỗ trợ thêm và không thay thế hoàn toàn con người. Ví dụ ngành dịch thuật vẫn cần con người để biên tập, xử lý những tình huống cụ thể mà công nghệ như ChatGPT không thể làm.
Khi tham gia biên/phiên dịch, sẽ có sự trao đổi giữa hai đối tác, thậm chí từ ánh mắt, cử chỉ - điều mà máy móc không thể thực hiện được", cô Phương nói.
Được biết đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã nhận hồ đăng ký xét tuyển năm 2023 theo các phương thức xét tuyển sớm (các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT như xét tuyển học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng,…).
Điều nhiều thí sinh băn khoăn trước mùa tuyển sinh là cơ hội việc làm của nhiều ngành nghề (Ảnh: M.H).
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ không giới hạn thí sinh đăng ký xét tuyển sớm ở bao nhiêu trường, tức thí sinh có thể đăng ký xét tuyển sớm ở 10 trường đại học và được cả 10 trường nói trên thông báo trúng tuyển.
Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, thông thường, việc xét tuyển sớm đều được các trường tổ chức trước khi kỳ thi THPT diễn ra, có nghĩa thí sinh chưa tốt nghiệp THPT.
Với điều kiện của Bộ GD&ĐT: Bắt buộc thí sinh phải tốt nghiệp THPT mới được xác định là trúng tuyển chính thức, do đó mọi thời điểm xét tuyển của các trường xét tuyển sớm trước khi hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ hoạt động đều là trúng tuyển "có điều kiện".
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, ngành đào tạo mà mình mong muốn, bao gồm cả những nguyện vọng đã trúng tuyển có điều kiện. Các em sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên của bản thân, lúc này mới là đăng ký nguyện vọng chính thức.
"Đối với thí sinh trúng tuyển có điều kiện của nhiều trường, bản thân các em đang giữ chỗ của nhiều người khác, vì sau này em chỉ vào học một trường. Chính vì vậy, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta xác định đúng nguyện vọng ưu tiên nhất, dành những vị trí khác trong hệ thống giáo dục đại học cho những thí sinh khác cũng có cơ hội", PGS Thủy nói.
Theo Mỹ Hà/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/nhieu-nganh-hoc-se-bien-mat-vi-chatgpt-thi-sinh-nen-lua-chon-ra-sao-20230321135813298.htm