Là ngọn núi cao nhất Nam bộ, núi Bà Đen là ngọn núi linh thiêng bậc nhất Việt Nam với một hệ thống chùa, am, động, miếu…đa dạng mà không phải ai cũng biết.
Hệ thống các chùa Núi Bà
Tại lưng chừng núi Bà hiện nay có 6 ngôi chùa, đồng thời cũng là 6 địa điểm dựng điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu.
Linh Sơn Phước Trung (Chùa Trung): Ngôi chùa nằm ngay dưới chân núi, thường là điểm dừng chân đầu tiên của du khách trong hành trình chiêm bái hệ thống thiền tự dọc theo chiều cao tại núi Bà Đen. Chùa Trung được xây dựng từ đời các cụ Tổ khai sơn Chơn Thoại – Trừng Trùng (1879-1910). Đến nay, sau khi trùng tu, ngôi chùa có một kiến trúc vừa cổ kính, vừa hiện đại với nơi thờ tự trang nghiêm, thờ Chư Phật, Bồ Tát, phối tự Quan Công, Thiên Hậu, các nữ thần và Cô, Cậu.
Chùa Bà là ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa tại núi Bà Đen
Long Châu Phước Trung: Từ thời các vị Tổ khai sơn về núi hành đạo thì chùa đã hình thành, ngày ấy chùa được xem là chùa Trung của Linh Sơn Tiên Thạch Tự, là nơi du khách dừng chân khi đến chiêm bái chùa Hang, chùa Bà. Hiện nay, chùa được trùng tu với diện mạo khang trang, Linh Sơn Thánh Mẫu (mặt trắng) được đặt tại điện thờ chính, ở vị trí cao nhất.
Linh Sơn Tiên Thạch Tự (chùa Bà): Đây là ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống các chùa tại núi Bà Đen, được hình thành từ thế kỷ 18 và toạ lạc tại lưng chừng núi ở độ cao 250m. Ở sân chùa Bà có tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế m. Bên cạnh chùa là Điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu với kiến trúc một mái đá tự nhiên nhô ra tạo thành động. Chính điện thờ Linh Sơn Thánh mẫu mặc áo đỏ, mặt đen.
Linh Sơn Hoà Đồng (chùa Hoà Đồng): Được khôi phục lại từ một ngôi chùa cũ nơi Hòa thượng Thích Giác Điền từng tu tập trong những năm giữa thế kỷ 20, chùa Linh Sơn Hòa Đồng nằm biệt lập ở một góc núi Bà Đen và có diện tích chỉ khoảng 200m2. Du khách sẽ có dịp chiêm bái tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn trên đường đến Chùa Hoà Đồng.
Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ ở tất cả các chùa trên núi Bà Đen
Linh Sơn Long Châu (chùa Hang): Năm 1864, thầy Huệ Mạng Kim Thiền cùng một nhà sư họ Chăm chọn một hang đá cách thung lũng suối Vàng khoảng 200m để tu tập và xây dựng nơi này thành Linh Sơn Long Châu tự. Chùa Hang gắn liền với huyền thoại “Ông đá nứt” ngay trước suối Vàng. Tương truyền trước kia, đường đến Chùa Hang rất gian nan vì có tảng đá lớn chặn, muốn đến Chùa phải đi vòng qua đường suối vô cùng khó khăn. Sư tổ Tánh Thiền đã tụng kinh cầu nguyện suốt 100 ngày thì “Ông Đá nứt đôi ra, và hai bên đá dang ra chừa một lối đi bề ngang 1,5 mét” để dẫn lối vào chùa Hang. Dấu tích ấy hiện vẫn còn, là lối đi giữa hai khối đá lớn.
Chùa Quan Âm: Chùa ở ngay Động Ba Cô, nằm phía trên và cách chùa Hang khoảng 150m. Chùa Quan Âm có chánh điện trang nghiêm, thờ Linh Sơn Thánh Mẫu mặt đen đội mũ phụng, áo bào, ngồi trong tư thế kiết già thiền định trên toà sen. Sau bức tượng là bài vị có nội dung “Nam mô Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát”.
Hệ thống hang động trên núi
Ðá tại núi Bà Đen có cấu trúc đặc biệt, từng tảng lớn kích cỡ bằng nguyên một ngôi nhà chồng xếp lên nhau từ thuở khai sơn. Những khe hở giữa chúng tạo thành vô vàn hang động, trong đó nổi bật nhất là động Kim Quang và động Ba Cô.
Động Kim Quang: Từ chân núi đi lên theo triền núi khoảng 500m là đến hang động này. Động Kim Quang là một động đá cao 150m, trước kia là căn cứ địa bất khả xâm phạm của lực lượng giải phóng quân. Động Kim Quang cũng từng là nơi tu hành và giữ động của một nhà sư giữa vùng núi non hiểm trở. Phía trong động là bàn thờ chiến sĩ trận vong.
Động Kim Quang với các cụm tượng tái hiện hoạt động của các chiến sĩ cách mạng
Động Ba Cô: Động Ba Cô nằm phía trên và cách chùa Hang khoảng 150m. Trước kia, từ chùa Hang lên động chỉ có một lối lên dốc ngược, quanh co qua đá núi gập ghềnh, hiện đã có lối vào phía sau động núi, vào ra thuận tiện dễ dàng từ chùa Quan m. Cửa động chính nay chỉ là một khe nhỏ hẹp giữa một bên là đá núi, một bên là gốc sung già, cuối hang là một ban thờ có bày tượng “Ba Cô”. Theo truyền thuyết, đây từng là nơi thờ ba nữ tu sĩ tu niệm và thường xuống núi giúp dân nghèo chữa bệnh.
Quần thể tâm linh trên đỉnh núi Bà
Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn: Nằm tại trung tâm quần thể tâm linh trên đỉnh núi là Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á tọa lạc trên đỉnh núi theo ghi nhận trong sách Kỷ lục Guinness Châu Á. Tượng Phật có tổng chiều cao 72m, được các nghệ nhân thực hiện bởi hơn 170 tấn đồng đỏ.
Giữa không gian bồng bềnh mây trắng, tượng Phật Bà - biểu tượng vĩnh hằng của trí tuệ, đức hạnh và tinh thần bác ái bao la đứng uy nghi, tiệp vào đất trời, hướng tuệ nhãn từ bi nhìn về phía hồ Dầu Tiếng như chỉ dấu thiêng liêng cho cả một vùng đất.
Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh núi
Trung tâm triển lãm Phật giáo
Nằm dưới chân tượng Phật bà là trung tâm triển lãm Phật giáo trưng bày những phiên bản mô phỏng nhiều tác phẩm Phật giáo kinh điển, trong đó có nhiều pho tượng nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, tại khu vực Đại sảnh mái vòm tầng 1, du khách có cơ hội tìm hiểu và khám phá về vũ trụ trong quan niệm của Phật giáo thông qua công nghệ chiếu phim video mapping với các thiết bị trình chiếu, âm thanh hiện đại hàng đầu thế giới.
Nhiều pho tượng nổi tiếng được trưng bày tại khu triển lãm Phật giáo trên đỉnh núi
Miếu Sơn Thần: Nằm trên đỉnh núi, gần quần thể tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, miếu Sơn Thần là nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, thờ Sơn thần và các dũng sĩ tử nạn tại núi Bà Đen.
Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, quần thể tâm linh kỳ vĩ cùng các hoạt động lễ hội quy mô, núi Bà Đen không chỉ là biểu tượng tín ngưỡng của người Nam bộ, mà còn là điểm hành hương thu hút hàng triệu Phật tử du khách mỗi năm, tạo sức hút đặc trưng cho du lịch Tây Ninh.
Theo H.G/baovanhoa.vn
http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/62522/cam-nang-cho-nguoi-lan-dau-chiem-bai-cac-chua-tren-nui-ba-den-tay-ninh