Đề xuất nới chính sách visa của Chính phủ đang được doanh nghiệp du lịch kỳ vọng sẽ tạo luồng gió mới thu hút khách du lịch trong thời gian tới.
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp liên quan đến việc miễn visa đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, các thành viên Chính phủ nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực (visa) từ 15 ngày lên 45 ngày; đặc biệt, kéo dài thời hạn thị thực điện tử cấp cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Như vậy, du khách quốc tế đến Việt Nam có thể lưu trú tới 3 tháng và thoải mái ghé thăm các nước khác rồi quay lại Việt Nam mà không cần xin lại visa.
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch cho biết: Đề xuất này mở rộng visa cả “chiều rộng, chiều dài”, tức mở rộng diện cấp e-visa ra tất cả các nước và kéo dài thời gian lưu trú. Đây là bước tiến mới đáp ứng dần với nhu cầu của khách và quá trình hội nhập với quốc tế. Tổng cục Du lịch sẽ truyền thông về chính sách này khi được thông qua; đồng thời phối hợp với doanh nghiệp du lịch và Hiệp hội Du lịch để tạo dựng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu cần của khách.
“Nếu được Quốc hội thông qua đây sẽ là cơ hội vàng để thu hút khách du lịch quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của điểm đến Việt Nam so với các nước trong khu vực. Tôi tin chắc con số 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay chúng ta sẽ đạt được và thậm chí là vượt. Đây là mong muốn của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung", ông Thủy nhấn mạnh.
Còn theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), Việt Nam đã mở cửa sớm hơn các nước trong khu vực, song chính sách visa kém hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới là nguyên nhân khiến khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa như kỳ vọng. Vì vậy, với đề xuất mới của Chính phủ về các chính sách visa sẽ tạo ra một luồng gió mới cho ngành du lịch Việt Nam đón khách quốc tế.
Theo ông Bình, hiện ngành du lịch Việt Nam đã và đang phát triển theo hướng đón dòng khách quốc tế có khả năng chi trả cao. Tuy vậy, việc quy định thời gian miễn thị thực 15 ngày đã làm mất đi đối tượng khách này vì họ có nhu cầu nghỉ dài ngày hơn (từ 3 - 4 tuần).
“Về nguyên tắc chúng ta có thể làm thủ tục visa để họ ở lại thêm, song những người đi du lịch không muốn làm thủ tục nhiều lần. Vì vậy, với những đề xuất của Chính phủ chắc chắn sẽ thu hút lượng khách vốn muốn ở Việt Nam dài ngày và là những đối tượng có khả năng chi trả cao. Mặc dù vậy, theo ông Bình, sau khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua nhiều chính sách mới trong Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, ngành du lịch đang tiếp tục trông chờ Bộ Ngoại giao trình danh sách các nước mở rộng diện áp dụng của chính sách miễn thị thực đơn phương”, ông Vũ Thế Bình cho biết.
“Việc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương cần hướng tới những thị trường trọng điểm, có mức chi tiêu cao như Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ…”, ông Bình đề xuất.
Từ góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty du lịch bền vững cho biết: Chính sách nới lỏng visa mà Chính phủ đang đề xuất là tín hiệu vui với nhiều doanh nghiệp đón khách quốc tế. Theo khảo sát thị trường, với dòng khách gần từ Đông Nam Á, Đông Bắc Á thường đi theo chương trình từ 4-6 ngày; trong khi khách từ thị trường xa sẽ đi từ 18-25 ngày. Nếu xét về hiệu quả kinh tế, đối tượng khách ở lại lưu trú lâu sẽ mang chi tiêu nhiều hơn. Cùng với đó là việc hình thành sản phẩm du lịch theo thời gian lưu trú của khách, hướng đến nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm….
Theo Bài, ảnh: XM/Báo Tin tức - 30/03/2023
https://baotintuc.vn/du-lich/noi-chinh-sach-visa-co-hoi-thu-hut-khach-quoc-te-20230330093216491.htm