Môi trường là lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Tốc độ phát triển kinh tế và đời sống của người dân đã tác động xấu đến môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí.
Để cải thiện những tác động xấu đến môi trường, bảo vệ môi trường bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể với quyết tâm xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc là nơi đáng sống.
Hợp phần 2 của Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc được Ngân hàng Thế giới WB đầu tư nguồn vốn xây dựng 4 nhà máy thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tại các xã Tam Hồng, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc; thị trấn Thổ Tang, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường và 14 điểm xử lý nước thải dọc sông Phan. Đây là những địa phương đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng nhà máy thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt.
Sau khi đi vào hoạt động, 4 nhà máy này có đóng góp quan trọng vào việc giảm thiểu ô nhiễm nước sông Phan và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trong các khu vực đông dân cư được lựa chọn. Đến nay, 3 nhà máy đang được xây đảm bảo tiến độ đề ra, 1 nhà máy tại xã Lũng Hòa do người dân chưa đồng thuận nên chưa thể triển khai thi công.
Nhà máy thu gom và xử lý nước thải xây dựng tại các địa phương, được áp dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm bảo nước xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi ra ngoài môi trường. Dự án cũng được Ngân hàng thế giới WB phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xã hội (ESIA) năm 2016.
Với công suất khoảng 2.000 m3/ngày đêm, sau khi các nhà máy này đi vào vận hành, có ý nghĩa quan trọng, góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường tại các địa phương. Chính quyền và Nhân dân tại các địa phương: thị trấn thổ tang, xã Tam Hồng và thị trấn Yên Lạc đều đồng tình, ủng hộ và cho rằng các nhà máy được xây dựng tại địa phương sẽ có đóng góp quan trọng trong việc thu gop, xử lý nước thải sinh hoạt trong Nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tại khu dân cư.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thi công, đơn vị giám sát triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng theo kế hoạch đã đề ra. Mục tiêu và ý nghĩa của các Nhà máy thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt là rất lớn. Tại xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, người dân đồng tình ủng hộ việc triển khai dự dựng Nhà máy. Tuy nhiên cũng có trường hợp cho rằng địa điểm xây dựng Nhà máy chưa hợp lý.
Đại diện Ban Quản lý Dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, các Nhà máy thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới WB có nhiệm vụ lớn nhất đó là thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt của Nhân dân trong khu dân cư và sau khi xử lý nguồn nước được xả ra sông đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Như vậy, sau khi đi vào hoạt động, những nhà máy này sẽ góp phần quan trọng trong việc xử lý vấn đề nước thải ở địa phương, hướng tới môi trường xanh và bền vững. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần bảo đảm kiểm soát lũ tại lưu vực trung tâm của tỉnh Vĩnh Phúc và ngăn chặn sự suy thoái nhanh chóng của chất lượng nước mặt sông Phan (đoạn chảy qua địa phận Thổ Tang và huyện Vĩnh Tường).
Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới WB với tổng nguồn vốn 220 triệu USD tương đương hơn 4.815 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay 150 triệu USD, vốn đối ứng 70 triệu USD, hàng trăm tỷ đồng được ưu tiên đầu tư xây dựng Nhà máy và điểm thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt của người dân. Các nhà máy sau khi triển khai xây dựng được bàn giao cho chính quyền địa phương và trong quá trình hoạt động tiếp tục được Ngân hàng Thế giới WB giám sát chặt chẽ.
Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc được triển khai theo Hiệp định vay số 8614-VN có hiệu lực ngày 25/09/2017 và thời hạn gia hạn đến 31/12/2023. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới WB, Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn người dân xã Lũng Hòa đồng thuận, ủng hộ dự án vì chính môi trường, chất lượng cuộc sống của toàn thể Nhân dân trên địa bàn và nhân dân ở các địa phương dọc tuyến Sông Phan./.
Lỗ Hiếu