Cập nhật: 03/04/2023 10:31:00
Xem cỡ chữ

Sáng 3/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 3/2023.

Hội nghị nhằm nhìn lại tình hình triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội,… trọng tâm là thảo luận tình hình KTXH tháng 3 và 3 tháng năm 2023, tình hình triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 CTMTQG; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công. 

thu tuong chu tri hoi nghi truc tuyen chinh phu voi dia phuong thang 3 2023 hinh anh 1

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 3/2023

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay chúng ta đã đi qua quý đầu tiên của năm trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục phức tạp, khó lường về cả kinh tế, chính trị, xã hội. Dịch bệnh COVID-19 và hậu quả tác động kéo dài. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc; xung đột Nga - Ukraine tiếp tục có những dấu hiệu phức tạp hơn. Giá dầu không ổn định. Lạm phát thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Chính sách tiền tệ các nước tiếp tục thắt chặt; Fed và nhiều nước tiếp tục tăng lãi suất điều hành; sức mua từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU giảm sút. Xuất hiện sự suy giảm niềm tin trên thị trường tài chính, gây bất ổn, ngừng hoạt động, phá sản ở một số ngân hàng tại Mỹ, Châu Âu. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng, biến đổi khí hậu… ngày càng khó lường.

Ở trong nước, nhìn chung khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, như đã được nhận định tại nhiều hội nghị, cuộc họp. Chúng ta vừa tiếp tục khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết các vấn đề tồn đọng; vừa xử lý các vấn đề phát sinh; vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều hơn với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn. Trong khi đó, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, nội lực chưa lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế và với độ mở nền kinh tế lớn nên chịu tác động nhiều bởi diễn biến tình hình thế giới.

Trong tháng 03 và quý đầu tiên của năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo đúng phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Qua đó, tình hình KTXH tiếp tục đạt những kết quả tích cực, đáng ghi nhận.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm thu đủ chi, thu NSNN đạt 30,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ; Xuất đủ nhập, xuất siêu 4,07 tỷ USD; Làm đủ ăn, xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn gạo; An ninh năng lượng được bảo đảm; Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

thu tuong chu tri hoi nghi truc tuyen chinh phu voi dia phuong thang 3 2023 hinh anh 2

Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế trong thời gian vừa qua, đồng thời đề nghị các đại biểu thảo luận, đi thẳng vào vấn đề, phân tích kỹ lưỡng, cụ thể tình hình theo lĩnh vực, địa bàn quản lý; xác định được đâu là giải pháp trọng tâm, điểm mấu chốt, khâu đột phá trong thời gian tới

Lạm phát được kiểm soát; Giải ngân vốn đầu tư công tăng 11,7 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ; Thị trường tiền tệ được điều hành phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động, thời thời; lãi suất được điều chỉnh giảm; điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao, du lịch phục hồi nhanh;

Xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia; Đời sống người dân tiếp tục cải thiện, 93,4% hộ gia đình đánh giá có thu nhập trong quý I không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm 2022. Các hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi; Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; chủ quyền quốc gia được giữ vừng; đối ngoại được đẩy mạnh; thông tin truyền thông được tăng cường.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế trong thời gian vừa qua như sự hồi phục của doanh nghiệp sau COVID-19 còn nhiều khó khăn liên quan tới tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính rườm rà, thị trường bị thu hẹp. Các thị trường bất động sản, vốn, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ để các thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững. Việc khắc phục các vấn đề liên quan tới cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế cần nỗ lực, quyết liệt hơn nữa. Phản ứng chính sách của các bộ, ngành, địa phương cần kịp thời, hiệu quả hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phục hồi tốt hơn. Việc giải ngân đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn khó khăn. Công tác cải cách hành chính cần được đẩy mạnh hơn và kỷ luật, kỷ cương hành chính cần được tăng cường hơn nữa. Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, chúng ta đã rất nỗ lực để triển khai 3 nhóm công việc lớn: Các vấn đề tồn đọng, kéo dài cần nhiều thời gian để giải quyết như các dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém; các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều hơn, nặng nề hơn với đòi hỏi ngày càng cao hơn khi quy mô nền kinh tế lớn hơn, dân số đông hơn; xử lý, ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ./.

Theo Vũ Khuyên/VOV - 3/4/2023

https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-truc-tuyen-chinh-phu-voi-dia-phuong-thang-32023-post1011426.vov