Nhiều người nghĩ rằng chỉ người lớn mới mắc bệnh trĩ, tuy nhiên thực tế cho thấy trẻ em cũng mắc phải căn bệnh này. Bệnh trĩ ở trẻ em xảy ra khi trẻ thường xuyên lặp lại các thói quen xấu, làm tăng áp lực lên hậu môn gây bệnh trĩ. Vậy bệnh trĩ ở trẻ em do đâu, có cần điều trị không?
Bệnh trĩ ở trẻ do đâu?
Cũng giống như người lớn, bệnh trĩ là bệnh do sự căng dãn quá mức tại các tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn, gây viêm sưng hoặc xuất huyết. Có nhiều nguyên gây bệnh trĩ ở trẻ, tuy nhiên các yếu tố khiến trẻ bị trĩ bao gồm:
- Trẻ mắc táo bón kéo dài
Khi bị táo bón kéo dài có thể dẫn đến bệnh trĩ ở trẻ. Ở lứa tuổi này trẻ thường không thích ăn rau xanh, quả chín... nên sẽ không nạp đủ lượng chất xơ cho cơ thể, khiến dễ bị bệnh trĩ hơn. Ngoài ra, trẻ uống ít nước, ăn ít rau xanh, có chế độ ăn uống không cân đối cũng sẽ làm tăng nguy cơ táo bón, dẫn đến bệnh trĩ.
- Trẻ ngồi vệ sinh quá lâu
Nhiều trẻ nhỏ khi đi vệ sinh thường ngồi lâu (thời gian ngồi đại tiện kéo dài hơn 10 phút mỗi lần) nhất là ở trẻ hay ngồi bô, điều này có thể làm tăng áp lực lên vùng hậu môn, gây chèn ép các tĩnh mạch hậu môn và từ đó hình thành nên các búi trĩ.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy các yếu tố bệnh lý như viêm ruột, thể trạng của trẻ không tốt cũng có thể khiến trẻ mắc bệnh trĩ. Vì trẻ đang trong quá trình phát triển hoàn thiện, nên các bộ phận của cơ thể, các cơ hậu môn ở trẻ còn khá yếu, các tổ chức hoạt động còn lỏng lẻo, dây chằng ở hậu môn và trực tràng chưa có sự liên kết bền vững. Ngoài ra, xương cùng và trực tràng của trẻ lại nằm trên cùng một đường thẳng, làm cho trực tràng dễ bị đẩy lên phía trên, khiến cho trẻ dễ mắc bệnh trĩ hơn.
Khi bị táo bón kéo dài có thể dẫn đến bệnh trĩ ở trẻ.
Biểu hiện bệnh trĩ ở trẻ
Khi bị mắc bệnh trĩ, thời gian đầu người bệnh chỉ có cảm giác ngứa rát đôi chút, lâu dần sẽ đi ngoài ra máu và đau rát nhiều hơn. Bệnh trĩ ngoại thường sớm được phát hiện và điều trị nhanh hơn, do người bệnh có thể sờ thấy khi trĩ ở mức độ nhẹ. Với bệnh trĩ nội, thường người bệnh chỉ nhận biết được khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, búi trĩ sa hẳn bên ngoài hậu môn hoặc bị tổn thương, dẫn đến xuất huyết nặng, viêm sưng, nhiễm trùng búi trĩ.
Trên thực tế, dù tỷ lệ mắc bệnh trĩ ở trẻ em rất thấp, khoảng 1% ở trẻ dưới 05 tuổi. Tuy nhiên, trẻ em mới sinh cũng có thể mắc bệnh trĩ (do yếu tố di truyền) cho đến khi trưởng thành.
Vì vậy, để nhận biết bệnh trĩ ở trẻ, cha mẹ cần chú ý các dấu hiệu bất thường khi trẻ đại tiện. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là đại tiện ra máu tươi, phân cứng, quấy khóc, ngứa, rát hậu môn. Đặc biệt, sau khi trẻ đi đại tiện xong, có thể nhìn thấy cục thịt thừa sa ra ngoài ở hậu môn, nhiều giờ sau mới thụt vào, lâu ngày sẽ khiến trẻ bị thiếu máu, dẫn đến suy dinh dưỡng.
Cha mẹ cần phải làm gì khi trẻ bị bệnh trĩ?
Trẻ bị mắc bệnh trĩ đa phần sẽ tự khỏi theo thời gian mà không cần phẫu thuật. Vì vậy, nếu phát hiện trẻ đi tiêu ra máu hoặc có bất kỳ sự bất thường nào ở hậu môn, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Để phòng ngừa cho trẻ không bị mắc bệnh trĩ, cha mẹ cần chú ý đến chế độ ăn và chế độ sinh hoạt của trẻ. Cần thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh, sinh hoạt khoa học, cụ thể: Cho trẻ ăn nhiều chất xơ. Hàng ngày bữa ăn cần có nhiều loại rau, củ và trái cây tươi… để giúp tạo khối phân, làm tăng khả năng hoạt động của nhu động ruột và hỗ trợ đào thải độc tố cho cơ thể, giúp trẻ phòng tránh bệnh táo bón.
Các thực phẩm cần hạn chế là thức ăn nhanh, chiên, xào, thức ăn chứa nhiều tinh bột... Đặc biệt, cha mẹ nên nhắc nhở trẻ uống nhiều nước trong ngày, vì nước góp phần làm mềm phân, đi đại tiện sẽ dễ dàng hơn.
Rèn cho trẻ đi vệ sinh đúng giờ, tránh để trẻ ngồi toilet trong thời gian dài hơn 10 phút. Ngoài ra, hãy cùng trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, hướng dẫn trẻ tập thể dục, tăng cường hoạt động thân thể, để giúp các cơ quan nội tạng hoạt động điều hòa, thông suốt, tiêu, tiểu dễ dàng, phòng ngừa táo bón.
Theo BS Trần Anh Tuấn/suckhoedoisong.vn - 26/04/2023
https://suckhoedoisong.vn/tre-em-co-mac-benh-tri-khong-169230425105513585.htm