Cập nhật: 17/05/2023 07:33:00
Xem cỡ chữ

Lễ hội lần đầu tiên được tổ chức vào dịp sinh nhật Bác là hoạt động tri ân những cống hiến, hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc; là tình cảm thiết tha của quần chúng nhân dân đối với Người.

Khai mac Le hoi lang Duong No - Hanh trinh thang Nam nho Bac hinh anh 1

Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ - nơi sẽ diễn ra nhiều hoạt động của lễ hội. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh/Thành phố Huế)

Tối 16/5, tại đình làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, thành phố Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức khai mạc Lễ hội làng Dương Nỗ với chủ đề “Dương Nỗ - Hành trình tháng Năm” chào mừng 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023).

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên-Huế Phan Thanh Hải cho biết nếu Nghệ An là quê hương, nơi Bác Hồ được sinh ra và sống những năm tháng đầu đời, Thừa Thiên-Huế lại là nơi Người lớn lên, đi học, trưởng thành, tham gia các hoạt động yêu nước trong những năm đầu thế kỷ XX.

Hơn 10 năm sinh sống và học tập trên đất Huế, hồn đất, tình người nơi đây đã góp phần hun đúc nên người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với trí tuệ lỗi lạc, trái tim nhiệt huyết, tâm hồn thanh cao và trên hết là lòng yêu quê hương đất nước, yêu thương đồng bào, chuyển hóa thành khát vọng cứu nước, cứu dân.

Trong những năm tháng đặc biệt quan trọng đó, làng Dương Nỗ trở thành địa danh không thể thiếu trong dấu ấn của Người tại Thừa Thiên-Huế.

Lễ hội làng Dương Nỗ lần đầu tiên được tổ chức và định hướng tổ chức thường xuyên vào dịp sinh nhật Bác chính là hoạt động tri ân với những cống hiến, hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước, với dân tộc, đồng thời là tình cảm thiết tha của quần chúng nhân dân đối với Người.

Diễn ra từ ngày 16-18/5 tại cụm di tích quốc gia đặc biệt ở làng Dương Nỗ, lễ hội với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội; lễ rước hoa sen và dâng hoa, dâng hương lên Chủ tịch Hồ Chí Minh; triển lãm ảnh nghệ thuật “Nét đẹp Di sản Hồ Chí Minh;” triển lãm mỹ thuật “Tranh dân gian Việt Nam;” trải nghiệm làm hoa sen giấy, in tranh, viết thư pháp; trải nghiệm ẩm thực truyền thống làng Dương Nỗ; trò chơi dân gian; thi vẽ tranh chủ đề “Thiếu nhi với Bác Hồ,” hội đua trải truyền thống...

Lễ hội sẽ là hành trình trải nghiệm đặc biệt, góp phần gắn kết giữa di tích với cộng đồng, nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời gắn với phát triển du lịch.

Mảnh đất và con người xứ Huế từ trong lịch sử đã trở thành một phần không thể thiếu trong tiểu sử của người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.

Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình sống, lao động, học tập và tham gia hoạt động yêu nước trong khoảng thời gian 10 năm với hai giai đoạn 1895-1901 và 1906-1909. Trong đó, Dương Nỗ là ngôi làng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về sống và học tập thời niên thiếu từ năm 1898 đến năm 1900.

Những tên đất, tên làng như đình làng, am Bà, bến Đá, ngôi nhà Người đã sống và bắt đầu đi học khắc sâu trong tâm tưởng của Người lúc sinh thời, ngày nay trở thành di sản vô giá của nhân dân xứ Huế.

Tại Thừa Thiên-Huế hiện có khoảng 20 di tích và điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, năm 2021, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên-Huế (gồm bốn di tích) đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, bao gồm Nhà lưu niệm Bác Hồ (ở đường Mai Thúc Loan), Trường Quốc học, Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ở làng Dương Nỗ) và đình làng Dương Nỗ (tại thành phố Huế).

Nhiều năm qua, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh trân trọng gìn giữ, trùng tu, tôn tạo. Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên-Huế phục vụ phát triển du lịch./.

Theo Tường Vi (TTXVN/Vietnam+) - 16/05/2023

https://www.vietnamplus.vn/khai-mac-le-hoi-lang-duong-no-hanh-trinh-thang-nam-nho-bac/862894.vnp