Cập nhật: 26/05/2023 08:04:00
Xem cỡ chữ

Với tiềm năng, lợi thế biển đảo, tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực xây dựng trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng. Địa phương này định hướng phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, trong đó lấy du lịch biển, đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm trọng tâm và du lịch sinh thái làm nền tảng.

Huyện đảo Lý Sơn luôn hấp dẫn du khách trong mùa cao điểm du lịch. Đến Lý Sơn dịp này, ngoài cảnh sắc thiên nhiên độc đáo với biển, đảo, núi lửa triệu năm hoang sơ, hùng vĩ, du khách có cơ hội khám phá kho tàng văn hoá độc đáo được dân đảo lưu giữ hàng trăm năm nay như: Lễ hội cầu ngư, đua thuyền tứ linh, đặc biệt là lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa…

quang ngai xay dung diem den di san van hoa bien, dao hinh anh 1

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được người dân Lý Sơn lưu giữ hàng trăm năm nay.

Ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho rằng đến với Lý Sơn trong mùa du lịch năm nay, du khách được tận mắt nhìn thấy hàng trăm hiện vật, tư liệu quý trưng bày tại triển lãm “Lý Sơn - Di sản văn hoá biển, đảo”. Đây là những bằng chứng quý báu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Qua hoạt động trưng bày này, chúng tôi muốn tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, con người, những nét văn hoá liên quan đến yếu tố lịch sử, chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước” - ông Lê Văn Ninh cho biết.

quang ngai xay dung diem den di san van hoa bien, dao hinh anh 2

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn.

Lần đầu tiên cùng gia đình đến đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, anh Trần Thanh Mẫn (Hà Nội) rất thích thú khi trải nghiệm những hoạt động văn hoá biển, đảo, cùng hoà mình với cuộc sống người dân trên đảo qua các tour sản xuất hành tỏi, lặn ngắm san hô, khai thác sản vật từ biển… “Quảng Ngãi không chỉ có bờ biển đẹp với nhiều thắng cảnh độc đáo. Khi đến Quảng Ngãi, tôi có dịp trải nghiệm, khám phá những nét độc đáo di sản văn hóa biển, đảo gắn với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, văn hóa Sa Huỳnh, tàu cổ đắm… Và còn nhiều kho tàng văn hóa truyền thống độc đáo khác, nếu có dịp, tôi sẽ dành thời gian để khám phá”.

Một điểm đến ở thị xã Đức Phổ, nằm ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi đang thu hút khách du lịch đó là Sa Huỳnh. Nơi đây có bờ biển dài tuyệt đẹp với biển xanh, cát vàng, những đồng muối trắng tinh, cuộc sống dân dã của cư dân bản địa, món ăn biển tươi ngon… Những thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng như: Mũi Sa Huỳnh, mũi Kim Bồng, hòn Đụn, hòn Châu Me, hòn Dù, hòn Son, đầm An Khê, đầm Nước Mặn, đầm Lâm Bình, bàu Nú… có sức quyến rũ, níu chân du khách. Đặc biệt, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ còn lưu dấu nhiều nền văn hoá cổ Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt.

quang ngai xay dung diem den di san van hoa bien, dao hinh anh 3

Lý Sơn hấp dẫn du khách với những lễ hội văn hoá truyền thống.

GS.TS Trương Quốc Bình, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhận định những nét độc đáo của văn hoá Sa Huỳnh: “Sa Huỳnh gắn với những làng muối mà ở các nền văn hoá khác không có. Đấy là sinh tồn của con người, gắn chặt với đời sống con người, sự trao đổi giữa miền xuôi với miền ngược, giữa hai miền Nam, Bắc với miền Trung. Tôi nghĩ rằng, đấy là một trong những thế mạnh của Sa Huỳnh. Giao lưu của Sa Huỳnh với Đông Sơn rất mạnh, giao lưu của Sa Huỳnh với các văn hoá tiền sơ sử ở lưu vực sông Đồng Nai ở Nam bộ cũng rất mạnh”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết di tích Văn hóa Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt là niềm vinh dự lớn và cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, Chính quyền và người dân trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị: “Trách nhiệm của địa phương, đặc biệt là thị xã Đức Phổ, trước tiên phải bảo quản, giữ gìn các di tích trên địa bàn, nhất là Di tích Quốc gia đặc biệt, trong đó có đầm An Khê, các khu vực lân cận. Đặc biệt là khu vực I, chúng ta phải gìn giữ, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan của khu di tích”.

quang ngai xay dung diem den di san van hoa bien, dao hinh anh 4

Du ngoạn trên đầm An Khê - Sa Huỳnh.

Đề án xây dựng chương trình định vị và phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 hướng đến xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam, cải thiện vị thế của Quảng Ngãi trong bức tranh du lịch vùng và cả nước. Tỉnh Quảng Ngãi xác định, thương hiệu du lịch bao hàm đại diện cho tất cả điểm đến của tỉnh, nổi bật tính đặc trưng, giá trị cốt lõi nhất của tài nguyên du lịch chủ đạo là biển, đảo và văn hóa Sa Huỳnh, lấy Lý Sơn làm hạt nhân./.

Theo Vinh Thông/VOV-Miền Trung - 26/05/2023

 https://vov.vn/du-lich/quang-ngai-xay-dung-diem-den-di-san-van-hoa-bien-dao-post1022473.vov