Cập nhật: 10/06/2023 09:07:00
Xem cỡ chữ

Với sự chung tay của các ngành chức năng cùng sự chủ động vào cuộc của các địa phương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, sau 5 năm triển khai chương trình OCOP, danh sách sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng phong phú và đa dạng, từng bước đưa sản phẩm chất lượng cao đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Xác định việc phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP, đặc biệt là nông sản đặc trưng của tỉnh không chỉ góp phần tạo sự phong phú trong danh sách sản phẩm đặc trưng của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm OCOP trên thị trường mà còn góp phần giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản hiệu quả.

UBND tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các chủ thể OCOP, từ đào tạo, tập huấn đến hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, chi phí thiết kế nhãn hiệu, in tem, giấy chứng nhận. Đặc biệt, để thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm OCOP, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ, xây dựng cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 105 sản phẩm từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua sơ chế, chế biến; đồ uống; thực phẩm chức năng, đồ thủ công mỹ nghệ được công nhận, phân hạng sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm được phát triển từ nông sản, đặc sản địa phương đã được phát huy và nâng tầm như trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo, mật ong, thanh long ruột đỏ...

Để hoàn thành mục tiêu phát triển mới từ 70 - 80 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 sao trở lên và phát triển nâng cấp sản phẩm để có 2 - 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Kim Liên