Cập nhật: 03/07/2023 09:29:00
Xem cỡ chữ

100% người có công trên địa bàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương; 100% Mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời. 

Có được kết quả đó là do Vĩnh Phúc sát sao triển khai các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công, gia đình chính sách, mặt khác Vĩnh Phúc cũng đã thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, đưa hoạt động này trở thành hoạt động thường xuyên, có sức lan tỏa sâu rộng đến cả hệ thống chính trị và toàn Nhân dân.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 138.000 đối tượng thuộc diện người có công với cách mạng. Trong đó, có hơn 15.000 liệt sĩ, hơn 12.000 thương binh, bệnh binh, hơn 1.500 Mẹ Việt Nam anh hùng; 5.000 người phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin và hàng ngàn cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ lão thành cách mạng, gia đình có công với nước.

Thực hiện Chỉ thị 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền của Vĩnh Phúc đã quan tâm lãnh đạo triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công.

Qua đó, thể hiện trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Công tác quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi đối với những người có công được các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú, không có hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo.

Thấm nhuần đạo lý uống nước nhớ nguồn, Tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, CCVC và người dân, nhất là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của người có công với cách mạng, từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm chung sức, chung lòng chăm lo, đáp đền bằng những hoạt động thiết thực.

Tuyên truyền Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng tại 9 huyện, thành phố cho 50 cán bộ cấp huyện; 136 cán bộ cấp xã và trên 1.800 NCC. Trong đó, thực hiện kịp thời, đúng và đầy đủ, chu đáo chế độ ưu đãi đối với người có công; đẩy mạnh xã hội hóa việc chăm sóc thương , bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ người có công có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống; thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” và tích cực ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”...

Những hoạt động này đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng. Vào các dịp lễ, tết, ngày 27/7 hằng năm, tỉnh đã trân trọng gửi quà tặng của Đảng, Nhà nước; tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà của tỉnh đến các gia đình chính sách. Các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức doanh nghiệp và cá nhân cũng nhiệt tình đóng góp công sức, ủng hộ vật chất tham gia những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa.

Vĩnh Phúc đã rà soát giải quyết dứt điểm các trường hợp đề nghị xác nhận người có công trong chiến tranh và không để tồn đọng đúng đối tượng; tăng cường công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh còn thất lạc. Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng; phát huy vai trò người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo rà soát, hướng dẫn và thực hiện chính sách người có công với cách mạng, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; đồng thời triển khai thực hiện các chính sách đối với người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này, Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc đã tập trung hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ đề nghị xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công và thân nhân của họ theo đúng quy định hiện hành, Sở LĐ-TB&XH cũng đã tham mưu ban hành Quyết định điều chỉnh trợ cấp thờ cúng đối với người đang hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ trên 11.290 người.

Cùng với việc chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng và thân nhân, các cấp còn quan tâm tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sỹ, đền thờ liệt sỹ, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sỹ. Hằng năm, tỉnh duy trì tổ chức đoàn cán bộ đi thăm, viếng nghĩa trang liệt sỹ, điểm di tích ghi dấu sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ, thanh niên xung phong và các tầng lớp Nhân dân như: viếng Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đường 9, Nghĩa trang Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang…

Điều dưỡng đối tượng chính sách Người có công với cách mạng là một việc làm mang ý nghĩa nhân văn cao cả thể hiện sự tri ân của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp, hy sinh trong các cuộc kháng chiến của các gia đình có công với cách mạng.

Thời gian qua, Trung tâm Người có công Tam Đảo đã chuẩn bị tốt các điều kiện, xây dựng kế hoạch, triển khai điều dưỡng hàng trăm lượt người có công, tính đến 6/2023 Trung tâm đang triển khai thực hiện điều dưỡng cho tổng số 290 đại biểu, đạt 100.2% so với kế hoạch. Công tác đón, điều dưỡng cho đối tượng đảm bảo tuyệt đối an toàn và đúng chế độ quy định của Nhà nước, với nhiều phương thức đổi mới linh hoạt.

Trong mỗi đợt điều dưỡng tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức và người lao động luôn ân cần, chu đáo với phương châm phục vụ đại biểu như phục vụ người thân trong gia đình, đã được các đoàn điều dưỡng khen ngợi và đánh rất cao về công tác điều dưỡng của đơn vị.

Không để người có công nào không được tri ân; Chăm lo người có công bằng hành động cụ thể, thiết thực. Đó là phương châm hành động trong công tác chăm lo người có công của huyện Lập Thạch. Là huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc và là địa phương giàu truyền thống yêu nước cách mạng kiên cường. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, hàng vạn người con của Lập Thạch đã anh dũng lên đường chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, có hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng hy sinh hoặc để 1 phần xương máu của mình nơi tiền tuyến.

Với trách nhiệm, truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Lập Thạch đã thực hiện tốt chính sách đối với các gia đình chính sách, người có công. Từ sự quan tâm đó đã kịp thời động viên, tạo điều kiện cho các hộ gia đình chính sách, người có công tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng với việc triển khai kịp thời các chính sách của Đảng và Nhà nước, hàng năm, huyện tổ chức phát động xây dựng “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa” Từ nguồn quỹ này để tu bổ Nghĩa trang Liệt sỹ; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm, giúp đỡ cho những gia đình chính sách gặp khó khăn trong cuộc sống. Trong các dịp Tết Nguyên đán, ngày Thương binh liệt sỹ hằng năm từ nguồn quà của Chủ tịch nước, của tỉnh, huyện đã tổ chức thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn.

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình chính sách, người có công đã thật sự trở thành phong trào rộng khắp trong các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức xã hội... trên địa bàn huyện với nhiều hình thức tổ chức, việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.

Nhằm tri ân những người đã đóng góp công lao, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, Lập Thạch đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi cho các đối tượng; thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp, lập danh sách mua BHYT cho các đối tượng chính sách đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh cho các đối tượng. Ngoài ra, các chế độ ưu đãi cho con em của các đối tượng chính sách đang học tại cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong cả nước, các chính sách tín dụng, đào tạo nghề, tạo việc làm, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo cho các gia đình chính sách luôn được quan tâm triển khai.

Sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương đã tăng thêm niềm tin vào cuộc sống cho nhiều gia đình chính sách, người có công .Từ đó nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế gia đình; giáo dục con cháu, người thân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Hiện cuộc sống của hầu hết các gia đình chính sách đã được nâng lên rõ rệt, nhiều hộ chính sách có mức sống khá so với mức sống của người dân địa phương. Trên thực tế, ngày càng có nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh đã nỗ lực vươn lên sản xuất giỏi, không những làm giàu cho gia đình mình mà còn góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Có thể khẳng định các hoạt động tri ân người, chăm lo người có công với cách mạng thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp nghìn đời của dân tộc Việt Nam "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", qua đó mang lại niềm tin trong Nhân dân đối với chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước với những lớp người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng./.

Bích Hằng