Cập nhật: 02/08/2023 09:19:00
Xem cỡ chữ

Giáo dục nghề nghiệp là chìa khóa để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động là yêu cầu tất yếu để giải quyết việc làm cho người lao động hiện nay.

Nhằm kịp thời cung ứng nguồn lao động chất lượng cho thị trường, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tam Đảo đã tổ chức hiệu quả hoạt động dạy nghề cho người lao động; đẩy mạnh hoạt động liên kết, phối hợp với doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm sau đào tạo; liên kết với các trường đại học, trường cao đẳng chất lượng cao tổ chức tuyển sinh, đào tạo các ngành, nghề, trình độ theo nhu cầu xã hội.

Nâng cao chất lượng trong giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc đã đầu tư tập trung, đồng bộ theo tiêu chí trường chất lượng cao, có đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Nhờ đó, tỷ lệ tuyển sinh chất lượng cao năm sau luôn cao hơn năm trước cả về số lượng và quy mô ngành nghề đào tạo. Đặc biệt, thực hiện phương châm “Tuyển sinh gắn với tuyển dụng”, nhà trường đã mở rộng quan hệ hợp tác đào tạo theo nhu cầu với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 33 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng cao, quy mô đào tạo được mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn lao động của tỉnh. Năm 2022, các cơ sở đã tuyển mới gần 29.000 học sinh, sinh viên, tỷ lệ tốt nghiệp ra trường và có việc làm đúng nghề được đào tạo trên 80%, trong đó, các nghề trọng điểm đạt trên 90%.

Nhằm đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và chỉ số đào tạo lao động, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp năm 2023, đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo và bồi dưỡng hằng năm cho 25.500 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 37%.

Lưu Trường