Hôm nay (10/8), đánh dấu mốc 62 năm quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học, gây ra thảm họa da cam Dioxin tại Việt Nam. Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ song sự khốc liệt vẫn hiện hữu trong không ít gia đình những người trở về từ cuộc chiến, bởi di chứng chất độc hóa học.
Trở về từ chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị, cựu chiến binh Tạ Văn Nhàn, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên giống như nhiều đồng đội không may bị nhiễm chất độc da cam, bản thân bị nhiễm chất độc 41%, 2 người con cũng bị di chứng nặng nề, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Thiệt thòi phải gánh chịu nhưng gia đình luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và trong thời gian tới đây, gia đình ông sẽ có được một ngôi nhà khang trang hơn nhờ sự hỗ trợ của các cấp và của Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Trên 7.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có trên 5.200 nạn nhân trực tiếp và trên 1.800 nạn nhân gián tiếp tại Vĩnh Phúc vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã dành cho các nạn nhân chất độc da cam sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt, tích cực vận động các nguồn lực ủng hộ, chia sẻ cả vật chất và tinh thần cho nạn nhân, thân nhân nạn nhân chất độc da cam. Nhờ đó, nhiều người trong số họ đã và đang không ngừng nỗ lực vươn lên để làm chủ cuộc sống và cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội.
Sự hỗ trợ và động viên kịp thời đã góp phần truyền lửa để những nạn nhân không may mắn nhiễm chất độc da cam tiếp tục chiến đấu chống lại nỗi đau dai dẳng mà chiến tranh đã đi qua để lại. Có những người vượt lên nỗi đau, nhưng phần nhiều trong số họ cần nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước; sự chia sẻ về vật chất, tinh thần của cộng đồng xã hội để phần nào xoa dịu nỗi đau mang tên Da cam./.
Phương Anh