Cập nhật: 10/08/2023 17:20:00
Xem cỡ chữ

Từ đầu tháng 7 năm 2023 đến nay, sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa, tài sản của Nhân dân trên cả nước; nhiều tuyến giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại, gây tâm lý bất an trong Nhân dân, nhất là ở một số tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Vĩnh Phúc, tuy thời gian vừa qua lượng mưa chưa lớn, chưa có hiện tượng lũ quét nhưng đã có hiện tượng sạt lở tại một số nơi như tại Khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo... Hiện tượng biến đổi khí hậu, thời tiết trong những năm gần đây diễn biết bất thường, mưa lớn, mưa dài ngày gây nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào. Do vậy, cần phải chủ động, sẵn sàng công tác phòng chống, ứng phó với các nguy cơ này.

Thực hiện Công điện của Thủ Tướng Chính phủ số 732/CĐ-TTg ngày 08/8/2023 về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị không được chủ quan, lơ là, chủ động chỉ đạo triển khai nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng và các Công điện, Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, (1) Công điện số 607/CĐ-TTg ngày 01/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng, nhất là trong mùa mưa bão; (2) Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 08/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh; Văn bản số 6162/UBND-NN4 ngày 04/8/2023...; nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để chủ động phòng, kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp...

2. Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để huy động sức mạnh của nhân dân trong việc phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại, đặc biệt cần chú ý có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời đối với người dân ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Đối với các khu vực đã phát hiện, xác định có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải sẵn sàng phương án di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

4. Rà soát, sẵn sàng phương án hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở trường hợp có sạt lở, lũ quét... xảy ra trên địa bàn.

5. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết khi có bão, mưa lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó.

6. Ngoài các nội dung trên, yêu cầu các cơ quan đơn vị thực hiện các nội dung sau:

a) Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nắm chắc tình hình, diễn biến mưa lũ; chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ về PCTT&TKCN được giao theo thẩm quyền; chủ động kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các huyện, thành phố được giao phụ trách.

b) Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các cơ quan có liên quan tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân nhận biết nguy cơ, dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở, lũ quét, kỹ n ăng ứng phó để chủ động sơ tán, di dời trước khi xảy ra sự cố, giảm thiệt hại

c) Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các Công ty TNHH MTV thủy lợi triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã xảy ra sự cố trong mưa lũ vừa qua, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng của Nhân dân.

d) Sở Giao thông vận tải chủ động sẵn sàng phương án chỉ đạo rà soát, kiểm tra các tuyến giao thông, nhất là ở khu vực miền núi, trung du kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu để có phương án chủ động bảo đảm giao thông và an toàn giao thông, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ và các trục giao thông chính của tỉnh. Chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố sạt lở trên các trục giao thông chính.

đ) Ban Quản lý các Khu công nghiệp chủ động triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nội dung công điện này đối với các doanh nghiệp họat động trong các khu công nghiệp; kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để có phương án chủ động phòng, chống bảo đảm an toàn và sản xuất.

e) Sở Công Thương chủ động triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nội dung công điện này đối với các doanh nghiệp họat động trong các cụm công nghiệp; kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để có phương án chủ động phòng, chống bảo đảm an toàn và sản xuất.

f) Giao Sở Kế hoạch & Đầu tư thông tin đến các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh chủ động phương án phòng, chống đảm bảo an toàn tài sản, con người của đơn vị.

g) Các sở, ban, ngành khác: Chủ động nắm tình hình, chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

h) Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cho nhân dân trên địa bàn tỉnh để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

i) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh và các cơ quan thông tin truyền thông đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường thời lượng phát tin về diễn biến của bão, mưa lũ để các cấp chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.

k) Các cơ quan, đơn vị theo quy chế, tổ chức trực ban nghiêm túc, tổng hợp, báo cáo kịp thời mọi diễn biến tình hình bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, ... về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh (qua Văn phòng thường trực) theo số điện thoại: 3.862.518, Fax: 3.861.721, địa chỉ Email: pclbvp@gmail.com.

7. Về lâu dài, yêu cầu thực hiện các nội dung sau:

a) Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

b) Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng (nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng); khai thác, tập kết khoáng sản trái phép theo đúng quy định của pháp luật để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng.

c) Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức rà soát, chỉ đạo xây dựng dự án, báo cáo cấp thẩm quyền bố trí và huy động nguồn lực để thực hiện các dự án mang tính căn cơ, bài bản, bền vững nhằm phòng, chống sạt lở, chủ động di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.

ĐT