Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Chỉ thị được ban hành trong tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp do một số nước cấm xuất khẩu, giảm lượng gạo bán ra, một số nước khác tăng mua dự trữ gạo; thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực; sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai và hạn hán...
Thực tế, những ngày vừa qua, giá gạo xuất khẩu của các quốc gia liên tục lập đỉnh, hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan đều đạt mức hơn 600 USD/tấn. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 4,84 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ gạo trên thế giới sẽ tiếp tục gia tăng, kéo theo giá gạo xuất khẩu còn nhiều biến động trong thời gian tới. Do vậy, các ngành chức năng và các địa phương cần có sự phối hợp để phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và tận dụng cơ hội của thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân, lợi nhuận cho doanh nghiệp; đồng thời cũng phải bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường và ảnh hưởng đến uy tín của gạo Việt Nam.
Những ngày vừa qua, giá gạo xuất khẩu của các quốc gia liên tục lập đỉnh, hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan đều đạt mức hơn 600 USD/tấn. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 4,84 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với tiêu dùng trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương cần tính toán, cân đối việc dự trữ gạo phù hợp, hiệu quả, dứt khoát không được để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh... Điều này có thể thực hiện được vì theo Cục Trồng trọt, năm 2023, dự kiến cả nước sản xuất được 43,2-43,4 triệu tấn lúa.Với sản lượng như vậy sẽ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và mục tiêu xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo.
Ngoài ra, để ổn định tình hình lúa gạo trong nước trong bối cảnh hiện nay, thì các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần thực hiện nghiêm việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu; chủ động theo dõi tình hình thương mại gạo toàn cầu, trao đổi thông tin cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam để kịp thời báo cáo các bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh và đề xuất biện pháp xử lý.
Đối với xuất khẩu, để tận dụng cơ hội nâng cao kim ngạch và giá trị gia tăng trong bối cảnh mới, ngành nông nghiệp cũng đã có kế hoạch tăng diện tích sản xuất lúa vụ thu đông từ 650.000 ha lên 700.000 ha để gia tăng sản lượng. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang khẩn trương triển khai xây dựng, thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu.
Về vấn đề xúc tiến thương mại gạo, Bộ Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu gạo Việt Nam phù hợp với tình hình mới; khai thác hiệu quả cơ chế ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Theo TIẾN ANH/nhandan.vn - 12/08/2023
https://nhandan.vn/thuc-day-san-xuat-xuat-khau-gao-trong-boi-canh-moi-post766946.html