Báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, do Đoàn giám sát của Quốc hội công bố chiều qua (14/8), đã nói thay nỗi niềm của rất nhiều phụ huynh.
Trước đó, sau nhiều năm tranh luận, Chương trình giáo dục phổ thông mới (ban hành 2018) được chia làm 2 giai đoạn gồm giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Khác với chương trình cũ, cả nước áp dụng 1 bộ SGK duy nhất cho mỗi khối lớp, thì từ 2020, lộ trình thay SGK mới bắt đầu được thực hiện, ở mỗi khối lớp đều có ít nhất 3 bộ SGK để các nhà trường, phụ huynh chọn lựa. Đến năm học 2023 - 2024, việc thay sách ở cấp tiểu học đã thực hiện đến lớp 4, cấp THCS đến lớp 8, cấp THPT đến lớp 11.
Về nội dung của SGK, theo Đoàn giám sát, việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa một số SGK chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều lỗi, nội dung thiếu chính xác, văn phong chưa chuẩn mực ở nhiều sách, nhất là với sách Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11. “Chất lượng một số SGK của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn hạn chế. Một số SGK có nội dung chưa phù hợp với học sinh, còn khó, kiến thức nặng”, báo cáo nêu.
Về việc tổ chức lựa chọn SGK, báo cáo cho biết ở một số địa phương, việc lập hồ sơ lựa chọn SGK còn thiếu sót. Đoàn giám sát dẫn kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT chỉ ra ở một số tỉnh có một số sai sót trong quy trình lựa chọn SGK.
Và đặc biệt là giá sách theo chương trình mới, cao 2 - 4 lần so với sách cũ. Đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, SGK lớp 1 mới có giá đến 194.000 đồng/bộ, trong khi bộ sách cũ 54.000 đồng. Sách lớp 2 mới giá 179.000 - 186.000 đồng/bộ, trong khi bộ cũ giá 53.000 đồng. Giá sách cao gây khó khăn cho một bộ phận người dân. Một điểm đáng lưu ý khác, mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) cho các đơn vị đầu mối năm học 2020 - 2021, 2021 - 2022 với SGK là 29%, sách bài tập 33%, sách giáo viên 15%. Đoàn giám sát đánh giá chi phí phát hành và giá sách như vậy là cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu.
Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra, điều tra toàn diện việc xác định, sử dụng chi phí phát hành SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Bộ GD&ĐT khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn phương pháp định giá SGK, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu để giảm giá sách.
Rất nhiều bậc phụ huynh đã đồng ý với chương trình thay SGK, vì muốn con em mình có nhiều sự lựa chọn hơn trong tiếp cận tri thức, muốn con em mình được học tập theo cách mới, tư duy mới… Kỳ vọng này đạt được hay chưa, thì chưa có nghiên cứu nào khẳng định. Nhưng dấu hiệu vi phạm của một số cá nhân, tổ chức khi thực hiện chương trình đã được báo cáo của Đoàn giám sát chỉ rõ như nêu trên. Dư luận tin rằng những vi phạm này sẽ được làm rõ, để xử lý nghiêm những đối tượng cơ hội trục lợi trên chương trình “vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Theo Minh Khang/baophapluat.vn - 15/08/2023
https://baophapluat.vn/minh-bach-chuyen-sach-giao-khoa-post484595.html
Ảnh minh họa.