Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngành Giao thông Vận tải đã tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nhờ đó, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, ngành Giao thông Vận tải đã góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng Vĩnh Phúc đồng bộ, hiện đại.
Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên có tổng mức đầu tư hơn 480 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, dự án có chiều dài 750m. Hiện nay, các đơn vị huy động thiết bị hiện đại để thực hiện dự án, bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng theo đúng kế hoạch.
Cầu Vĩnh Phú qua sông Lô thuộc dự án nhóm B, có tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng; có điểm đầu cầu phía thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ kết nối với đường Trần Phú, giao với đê Hữu sông Lô và kết thúc tại điểm giao với đê Tả sông Lô, xã Đức Bác, huyện Sông Lô, với tổng chiều dài hơn 509m. Cầu Vĩnh Phú được thông tuyến sẽ tạo điều kiện để Nhân dân đi lại thuận lợi. Kết nối 2 tỉnh Vĩnh Phúc - Phú Thọ, mở ra triển vọng mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội 2 địa phương.
Từ năm 2021 đến nay, ngành Giao thông Vận tải đã đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 28 dự án. Trong đó có nhiều dự án lớn, trọng điểm như: tuyến đường vành đai 5 - vùng Thủ đô và đoạn tuyến ven chân núi Tam Đảo kết nối giữa tuyến đường vành đai 5 với QL2B đến Tây Thiên, đi QL2C và Tuyên Quang; Cầu Vĩnh Phú; Mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh; Xây dựng cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên; Đường vành đai 4 theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải, đoạn từ QL2 đi ĐT.305.
Khát vọng Vĩnh Phúc phát triển, đang được ngành Giao thông vận tải cụ thể hóa bằng việc triển khai quyết liệt các công trình, dự án phát triển hạ tầng đồng bộ, tạo điểm nhấn cho đô thị Vĩnh Phúc trong tương lai không xa, tạo tiền đề để Vĩnh Phúc sớm thực hiện mục tiêu tỉnh công nghiệp phát triển, đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, vùng đất đáng sống, nơi mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
Đặng Thưởng