Năm 1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập, ngay sau năm đó, huyện Tam Đảo được tách thành 2 huyện Tam Dương và Bình Xuyên theo Nghị định 36 ngày 09/6/1998 của Chính phủ. Từ ngày 01/9/1998, huyện Tam Dương chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Sau 25 năm tái lập, huyện Tam Dương đã nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.
Ngay từ những năm đầu tái lập huyện, với tư duy đúng đắn, cách làm sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ một huyện thuần nông với xuất phát điểm kinh tế thấp, Tam Dương trở thành điểm sáng về sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, chính khởi nguồn từ cây ngô Đông trồng bầu trên nền đất ướt ở Hợp tác xã nông nghiệp Hợp Thịnh đã mở đầu cho phong trào sản xuất vụ Đông của tỉnh và toàn miền Bắc, góp phần tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Phúc và cả nước.
Phát huy truyền thống cách mạng, sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thử thách, 25 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tam Dương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng trên 20%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tăng dần tỷ trọng ngành Công nghiệp - Xây dựng và Thương mại - Dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành Nông lâm nghiệp - Thủy sản. Nếu như năm 1998, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện chỉ đạt hơn 5,3 tỷ đồng, thì đến năm 2022 đã đạt hơn 400 tỷ đồng, gấp hơn 80 lần so với năm đầu tái lập. Thu nhập bình quân đầu người hết năm 2022 đạt trên 60 triệu đồng/người/ năm, gấp hơn 5 lần so với khi mới tái lập.
Nhận thấy lợi thế về đất đai thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, Đảng bộ huyện đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp. Những năm qua, ngành Nông nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm trên 4%.
Hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở các xã Vân Hội, Hoàng Lâu, An Hòa, Kim Long, thị trấn Hợp Hòa. Tính đến hết năm 2022, giá trị sản phẩm trồng trọt bình quân đạt 154 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi tiếp tục duy trì là ngành mũi nhọn trong cơ cấu nông nghiệp và là thế mạnh của huyện Tam Dương. Hiện đàn gia cầm của huyện vẫn giữ được tổng đàn cao nhất trong toàn tỉnh.
Ở thời điểm tái lập huyện năm 1998, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Tam Dương được coi như “không có gì”. Đến nay, trên địa bàn huyện có 01 cụm kinh tế - xã hội và 02 Khu công nghiệp được quy hoạch. Huyện đã khởi công xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Tam Dương I, khu vực 2; Khu công nghiệp Tam Dương II khu A. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2022 đạt trên 5000 tỉ đồng, tăng hơn 50 lần so với khi mới tái lập.
Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu được triển khai tích cực. Quá trình triển khai nhận được sự đồng thuận cao của Nhân dân, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng những miền quê thành nơi đáng sống.
Song song với phát triển kinh tế, huyện Tam Dương luôn quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo; y tế chăm sóc sức khỏe Nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách giảm nghèo được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo đến nay chỉ còn 0,73%. Quốc phòng an ninh được củng cố giữ vững tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, cùng với tập trung huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện Tam Dương luôn chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo. Đẩy mạnh thực hiện Nghị Quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị.
Với những thành tựu đạt được trong 25 năm tái lập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tam Dương đã 2 lần vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động: Huân chương lao động hạng Ba năm 2008 và Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2013. Đó là niềm tự hào và cũng là động lực để Tam Dương tiếp tục vươn tới những mục tiêu mới.
Thành tựu đạt được trong 25 năm tái lập đã tạo nên một diện mạo mới của vùng đất giàu truyền thống cách mạng, luôn đổi mới, sáng tạo, vượt khó đi lên; là tiền đề, động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tam Dương cùng đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thử thách, hiện thực hóa khát vọng đưa Tam Dương vững bước trên đường đổi mới, phát triển toàn diện, bền vững, phấn đấu trở thành huyện công nghiệp vào năm 2030, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của tỉnh Vĩnh Phúc.
Văn Hải