Trong những năm qua, hoạt động khuyến công trong tỉnh đã thực hiện tốt chức năng cầu nối, tiếp sức và thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển. Các chương trình, đề án khuyến công được thực hiện đã góp phần động viên, huy động các nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương, cơ sở sản xuất phát triển, tạo việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn.
Được tiếp cận với nguồn vốn khuyến công, anh Nguyễn Hồng Quang, chủ cơ sở sản xuất gốm Quang Minh ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chế biến nguyên liệu và lò nung để thay thế phương thức sản xuất thủ công trước đây. Anh Quang chia sẻ, từ khi đưa các loại máy móc này vào làm gốm, mỗi mẻ ra lò, sản phẩm loại I đạt tỷ lệ lên đến 100%, hiệu quả hơn rất nhiều so với cách làm thủ công.
Sự đổi mới về công nghệ đã góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả rõ rệt cho các hộ làm gốm ở Hương Canh. Sản phẩm làm ra đồng đều, đẹp, giá thành ổn định đã giúp cho sản phẩm đáp ứng được những yêu cầu khắt khe ngày càng cao của thị trường. Qua đó, các nghệ nhân, thợ giỏi cũng gắn bó hơn với nghề gốm truyền thống của quê hương.
Không chỉ riêng làng nghề gốm Hương Canh, thời gian qua, các chương trình khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có hướng đầu tư đúng, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Một trong những mục tiêu được chương trình khuyến công hướng tới, đó là đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho người lao động ở khu vực nông thôn, quá đó vừa góp phần thay đổi cơ cấu lao động nông thôn vừa bảo tồn và phát huy các nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh.
Phương Liên