Sáng 5/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn phản biện Dự thảo đề án phát triển bền vững đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quang cảnh hội thảo.
Theo đề án, đến năm 2030 tỷ lệ đô thị của Vĩnh Phúc đạt trên 60%, gồm: 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại IV và 27 đô thị loại V. Đồng thời, thực hiện các chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng, xã hội như tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt tối thiểu 18%, toàn bộ rác thải được xử lý tập trung, diện tích sàn nhà bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 36m2, phổ cập dịch vụ internet,… Tầm nhìn đến 2045, Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm.
Tại hội thảo, các thành viên Hội đồng tư vấn phản biện cho rằng dự thảo Đề án đã được chuẩn bị công phu, tâm huyết với nội dung phong phú, rõ ràng và khoa học. Các đại biểu đề nghị làm rõ hơn về quan điểm phát triển bền vững, bài học kinh nghiệm đối với phát triển đô thị tại Vĩnh Phúc, bộ tiêu chí phát triển đô thị tại tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu về bố cục, cấu trúc của đề án và xem xét lại số lượng chương tình, dự án ưu tiên nhằm đảm bảo tính khoa học hơn. Bên cạnh đó, cân nhắc, xem xét về nhận diện, định vị vai trò của tỉnh trong hàng lang phát triển của vùng, đất nước và cần nghiên cứu, bổ sung thêm một số nội dung, giải pháp cho vấn đề bảo vệ môi trường, nhà ở xã hội, phát triển giáo dục, bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch.
Hội đồng tư vấn đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các đại biểu và thành viên Hội đồng tư vấn phản biện, sớm bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Đề án trình lên cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt.
Thanh Thuý