Sơ cấp cứu ban đầu kịp thời và đúng cách giúp hạn chế các tổn thương thêm cho nạn nhân tai nạn, ngăn tình trạng sức khỏe của nạn nhân trở nên tồi tệ hơn cho đến khi nhân viên y tế tới, làm tăng cơ hội sống sót cho nạn nhân. Học sơ cấp cứu là cách chủ động trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình và giúp đỡ người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh.
Theo một nghiên cứu của ngành Y tế, chỉ có 63,8% nạn nhân tai nạn giao thông được chuyển đến bệnh viện trong 6 giờ đầu, số còn lại đến sau 6 giờ, trong đó có 8,2% đến bệnh viện sau 72 giờ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương càng sớm càng tốt. Hầu hết tử vong xảy ra trong những giờ đầu tiên sau tai nạn do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng, đường thở bị tắc hoặc do bị mất nhiều máu, tất cả những vấn đề này đều có thể xử trí được nhờ sơ, cấp cứu. Nếu được sơ, cấp cứu kịp thời, nạn nhân tai nạn giao thông có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như những biến chứng, chấn thương.
Những năm qua, Hội Chữ thập đỏ Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của việc sơ cấp cứu đối với việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng bản thân và cộng đồng đến các tầng lớp Nhân dân. Bên cạnh đó, Hội đã tích cực phối hợp với các trường học, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập về công tác sơ cấp cứu tai nạn thương tích, tai nạn lao động, tai nạn giao thông cho các tầng lớp Nhân dân.
Thông qua các buổi tập huấn sơ cấp cứu, giúp người dân nắm được những kiến thức cơ bản, có điều kiện thực hành các thao tác xử lý tình huống, các bước sơ cấp cứu tại cộng đồng. Từ đó, có thể tự sơ cứu cho bản thân và người xung quanh khi xảy ra tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động và sinh hoạt cũng như biết cách phòng tránh tai nạn và vận chuyển nạn nhân an toàn đến cơ sở y tế.
Sơ cấp cứu là một hoạt động quan trọng giúp hạn chế rủi ro, thương vong cho người dân. Đây là một nhiệm vụ được các cấp hội Chữ thập đỏ chú trọng triển khai nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu chăm sóc sức khỏe Nhân dân dựa vào cộng đồng. Hội Chữ thập đỏ Vĩnh Phúc tiếp tục nhân rộng các mô hình, hoạt động Sơ cấp cứu, chú trọng tập huấn kiến thức và kỹ năng Sơ cấp cứu cho các tình nguyện viên và người dân nhằm nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng tuyên truyền và tinh thần sẵn sàng cứu người trong cộng đồng.
Lưu Trường