Cập nhật: 08/09/2023 08:02:00
Xem cỡ chữ

Bé gái 2 ngày tuổi ở Tuyên Quang phải nhập viện phẫu thuật vì tắc tá tràng bẩm sinh. Sau khi sinh 1 ngày, bé chưa ăn kèm theo có triệu chứng nôn ra dịch xanh và không đại tiện được phân su, gia đình đưa bé đi bệnh viện khám thì được các bác sĩ kết luận bị tắc tá tràng bẩm sinh.

Nguyên nhân tắc tá tràng bẩm sinh

Tắc tá tràng bẩm sinh là một bệnh lý rất phức tạp và nặng nề do trẻ không thể ăn uống được, nôn liên tục ra dịch dạ dày, dịch mật... dẫn đến rối loạn nước, điện giải và thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Bệnh nhanh chóng dẫn đến tử vong nếu trẻ không được hồi sức và phẫu thuật kịp thời.

Bệnh có tỉ lệ cao mắc các dị tật kết hợp như hội chứng Down, tim bẩm sinh, teo thực quản, dị tật đường tiết niệu…

Nguyên nhân tắc tá tràng bẩm sinh thường gặp là teo tá tràng, màng ngăn niêm mạc tá tràng, bệnh lý tuỵ nhẫn do dây chằng Ladd…

Dị tật tắc tá tràng bẩm sinh có thể được chẩn đoán nhờ siêu âm trước sinh vào 3 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh từ khi bé còn trong bụng mẹ phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn của bác sĩ và trang thiết bị siêu âm.

Khi được chẩn đoán bệnh, các bà mẹ có thể được chuẩn bị tâm lý để tiến hành phẫu thuật sớm cho trẻ ngay sau khi ra đời. Việc này rất cần thiết, vì phẫu thuật sớm sẽ tránh cho trẻ bị rối loạn nước và điện giải do nôn nhiều, mắc phải bệnh viêm phổi mà hậu quả có thể dẫn tới tử vong.

Trẻ bỏ bú, nôn ói dịch màu xanh, không đi phân su… cảnh giác với tắc tá tràng bẩm sinh

Biểu hiện lâm sàng tắc tá tràng bẩm sinh là thấy bé thường nôn sớm khoảng 4 giờ sau sinh, nôn ra dịch sữa lẫn dịch mật màu vàng đậm, bé nôn nhiều và nôn liên tục.

Một biểu hiện đặc trưng nữa của bệnh này mà cha mẹ cần chú ý là trẻ bỏ bú, trướng bụng, không đi phân su… Cần cảnh giác với tắc tá tràng bẩm sinh và nhập viện ngay để được điều trị kịp thời.

Khi thăm khám các bác sĩ thấy bụng trên trướng, đôi khi thấy dạ dày tăng nhu động từng đợt nổi lên, bụng dưới xẹp.

Chụp X-quang bụng đứng với dấu hiệu kinh điển dạ dày hai túi hơi (double buble image), đôi khi thấy dấu hiệu sâu róm (Caterpillars sign) nếu dạ dày tăng nhu động.

Chụp CT Scanner có giá trị cao để chẩn đoán nguyên nhân.

Bé gái 2 ngày tuổi mắc tắc tá tràng bẩm sinh, nguyên nhân do đâu và cách phát hiện - Ảnh 2.

Tắc tá tràng là bệnh lý hiếm gặp do nguyên nhân bẩm sinh. Ảnh minh hoạ.

Điều trị tắc tá tràng bẩm sinh

Tắc tá tràng cần được điều trị phẫu thuật ở giai đoạn sơ sinh, việc chẩn đoán trước sinh rất quan trọng, để có kế hoạch sinh cho thai phụ và điều trị cho trẻ ngay sau sinh.

Khi đó, trẻ sơ sinh 1 - 2 ngày tuổi thể trạng còn non yếu, khả năng chịu đựng, chống đỡ của cơ thể với môi trường mới còn kém. Sau khi phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn, phức tạp đường tiêu hóa trẻ phải nhịn ăn uống hoàn toàn dài ngày. Do vậy, hồi sức chăm sóc sau phẫu thuật cho trẻ gặp nhiều khó khăn để đảm bảo cho trẻ không bị rối loạn nước, điện giải, đủ dinh dưỡng và chống nhiễm khuẩn sơ sinh, nhiễm khuẩn vết mổ.

Tóm lại: Tắc tá tràng là bệnh lý hiếm gặp do nguyên nhân bẩm sinh. Đây là bệnh lý nặng nề, phức tạp và điều trị khó khăn. Nếu không được chẩn đoán sớm và phẫu thuật kịp thời, trẻ có thể bị ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, với sự phát triển của siêu âm trước sinh, trẻ hoàn toàn có thể được chẩn đoán sớm trong thời kỳ bào thai. Do đó, phụ nữ có thai cần đi khám thai thường xuyên để được tầm soát sớm các bệnh lý của bào thai. Khi trẻ có biểu hiện nôn trớ bất thường phải đi khám ngay.

Sau khi sinh 1 ngày, thấy con vẫn chưa ăn kèm theo có triệu chứng nôn trớ ra dịch xanh và không đi được phân su, chị P.T.H. (trú tại Sơn Dương, Tuyên Quang) lo lắng báo với bác sĩ. Sau thăm khám, bé được chẩn đoán tắc ruột sơ sinh nên ngay lập tức được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

Tại đây, bệnh nhi đã được hội chẩn thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, kết quả chẩn đoán xác định tắc tá tràng bẩm sinh và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu lúc 2 ngày tuổi.

Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện phần xuống của tá tràng của bệnh nhi bị tắc hoàn toàn, nguyên nhân do tụy bọc quanh tá tràng gây tắc (tụy nhẫn). Các phẫu thuật viên đã tiến hành phẫu thuật nối tá – tá tràng, lập lại lưu thông tiêu hóa cho bệnh nhi.

Theo ThS.BS Nguyễn Đức Lân - Trưởng Khoa Ngoại nhi tổng hợp, với trường hợp bệnh nhi bị tắc tá tràng bẩm sinh cần được chẩn đoán sớm, hồi sức trước mổ tích cực, được phẫu thuật bởi các bác sĩ chuyên khoa thì tỉ lệ sống của trẻ rất cao.

Hậu phẫu ngày thứ 2, bệnh nhi đã có thể đi ngoài tốt, miệng nối lưu thông. Ngày thứ 5 sau phẫu thuật, trẻ đã được bú mẹ, các chỉ số sinh tồn hoàn toàn bình thường, vết mổ khô ráo, đảm bảo vấn đề thẩm mỹ.

Theo BS. Nguyễn Thị Bích/suckhoedoisong.vn - 06/09/2023

https://suckhoedoisong.vn/be-gai-2-ngay-tuoi-tac-ta-trang-bam-sinh-nguyen-nhan-do-dau-va-cach-phat-hien-169230906084104092.htm