Cập nhật: 08/09/2023 17:03:00
Xem cỡ chữ

Khàn tiếng là vấn đề hay gặp, tuy nhiên nếu khàn tiếng kèm theo các biểu hiện khác như: Hụt hơi, thở khò khè kéo dài… thì có thể là dấu hiệu của liệt dây thanh. Liệt dây thanh nếu không được điều trị sớm và kịp thời sẽ dẫn đến viêm phổi hít, nguy cơ đe dọa đến tính mạng.

Nguyên nhân do liệt dây thanh

Dây thanh bao gồm hai dải mô cơ linh hoạt nằm ở lối vào khí quản. Khi chúng ta nói, lớp niêm mạc dây thanh kết hợp lại với nhau và rung lên để tạo ra âm thanh. Thời gian còn lại, dây thanh được thả lỏng ở vị trí nghỉ, để bạn có thể thở dễ dàng.

- Liệt dây thanh xảy ra khi dẫn truyền thần kinh đến thanh quản của bạn bị gián đoạn. Điều này dẫn đến liệt các cơ vận động dây thanh.

- Liệt dây thanh có thể ảnh hưởng đến khả năng nói và thậm chí là thở của bạn. Bởi vì dây thanh còn được gọi là nếp gấp thanh quản, không chỉ tạo ra âm thanh mà chúng còn bảo vệ đường thở bằng cách ngăn chặn thức ăn, đồ uống, thậm chí cả nước bọt của bạn xâm nhập vào khí quản và để bạn không bị sặc.

Các nguyên nhân gây liệt dây thanh có thể gặp bao gồm:

- Tổn thương dây thanh trong quá trình phẫu thuật: Phẫu thuật trên gần vùng cổ hoặc ngực có thể dẫn đến tổn thương các dây thần kinh chi phối thanh quản của bạn. Các phẫu thuật có nguy cơ gây tổn thương bao gồm phẫu thuật tuyến giáp hoặc tuyến cận giáp, thực quản, cổ và ngực.

- Chấn thương ở cổ hoặc ngực: Có thể làm tổn thương các dây thần kinh chi phối dây thanh.

Đột quỵ: Làm gián đoạn lưu lượng máu trong não và có thể làm tổn thương phần não gửi tín hiệu đến thanh quản.

- Các khối u: Cả ung thư và không phải ung thư, có thể phát triển trong hoặc xung quanh cơ, sụn hoặc dây thần kinh kiểm soát chức năng của thanh quản và có thể gây tê liệt dây thanh.

- Nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng như bệnh Lyme, virus Epstein - Barr và Herpes có thể gây viêm và làm tổn thương trực tiếp các dây thần kinh thanh quản.

- Bệnh lý thần kinh: Nếu bạn mắc một số bệnh thần kinh, như bệnh đa xơ cứng hoặc bệnh Parkinson, bạn có thể sẽ bị liệt dây thanh.

- Trong hầu hết các trường hợp liệt dây thanh, thường chỉ có một bên dây thanh bị liệt. Liệt cả hai bên dây thanh là tình trạng hiếm gặp, nhưng nghiêm trọng. Điều này có thể gây ra khó khăn về giọng nói và các vấn đề nghiêm trọng về thở và nuốt.

Khàn tiếng do liệt dây thanh cần được điều trị đúng - Ảnh 2.

Khi có biểu hiện khàn tiếng kéo dài kèm theo các biểu hiện khác thì việc đi thăm khám là cần thiết.

Các dấu hiệu liệt dây thanh

Các dấu hiệu và triệu chứng của liệt dây thanh có thể gặp:

- Có biểu hiện hụt hơi.

- Xuất hiện tình trạng khàn tiếng.

- Thở khò khè.

- Mất cao độ giọng hát.

- Nghẹt thở hoặc ho khi nuốt thức ăn, uống nước.

- Cần gắng sức khi nói.

- Không có khả năng nói to.

- Mất phản xạ họng, thanh quản.

- Mất khả năng ho.

- Hắng giọng thường xuyên.

Vậy câu hỏi đặt ra, có phải khàn tiếng là triệu chứng điển hình của liệt dây thanh? Trên thực tế, nếu khàn tiếng kéo dài kèm theo khò khè, bị sặc khi ăn uống, đặc biệt xuất hiện ngay sau khi phẫu thuật vùng cổ hoặc chấn thương vùng cổ. Tuy nhiên, khàn tiếng còn gặp trong viêm thanh quản cấp và mạn, khối u lành tính hay ác tính vùng hạ họng thanh quản, viêm thanh quản đặc hiệu như nấm hoặc lao…Vì vậy, có biểu hiện khàn tiếng kéo dài hoặc kèm theo các biểu hiện khác, thì việc đi thăm khám là cần thiết.

Khàn tiếng do liệt dây thanh cần được điều trị đúng

Các vấn đề về hô hấp liên quan đến liệt dây thanh có thể ở mức độ nhẹ như khàn giọng hoặc có thể nghiêm trọng dẫn đến mức đe dọa tính mạng. Bởi vì liệt dây thanh khiến đường thở không thể đóng hoặc mở hoàn toàn, các biến chứng khác có thể gặp gồm nghẹt thở hoặc hít phải thức ăn hoặc chất lỏng. Viêm phổi hít là biến chứng nặng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Nếu bạn bị khàn tiếng kéo dài hơn hai tuần, hoặc nhận thấy bất kỳ sự thay đổi hoặc khó chịu nào trong giọng nói, hãy đi khám chuyên khoa tai mũi họng ngay.

Việc điều trị liệt dây thanh sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, thời gian xuất hiện triệu chứng... Các phương pháp điều trị chủ yếu là: Luyện giọng, thuốc thanh quản, bơm mỡ tự thân vào dây thanh, phẫu thuật hoặc kết hợp các liệu pháp trên.

Theo BS Phạm Bích Đào/suckhoedoisong.vn - 08/09/2023

https://suckhoedoisong.vn/khan-tieng-do-liet-day-thanh-can-duoc-dieu-tri-dung-169230907152556232.htm