Trước khi vào viện một ngày, bé 3 tuổi (ở Phú Thọ) xuất hiện nóng sốt, kèm theo sổ mũi, hắt hơi, quấy khóc, sau đó không tự đi lại được. Gia đình đưa bé đi viện khám thì được các bác sĩ kết luận bé bị tiêu cơ vân cấp.
Tiêu cơ vân là một hội chứng thường gặp trong cấp cứu ngoại khoa và nội khoa. Việc chẩn đoán và sớm xử trí tiêu cơ vân cấp có thể giúp hạn chế các biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong.
Tiêu cơ vân là một hội chứng trong đó các tế bào cơ vân bị tổn thương và hủy hoại, dẫn đến giải phóng một loạt các chất trong tế bào cơ vào máu: Kali, acid uric, myoglobin, acid lactic, các enzym: Creatine kinase (CK), AST, ALT... dẫn đến rối loạn nước điện giải, toan chuyển hoá, sốc, tăng kali máu, hội chứng chèn ép khoang. Ngoài ra myoglobin còn làm tắc ống thận gây suy thận cấp.
Nguyên nhân tiêu cơ vân cấp
Có nhiều nguyên nhân tiêu cơ vân cấp, trong đó có các nguyên nhân chính sau:
- Nguyên nhân nội khoa:
-
Một số loại nhiễm trùng: Uốn ván, vi khuẩn, virus có thể gây ra tình trạng tiêu cơ vân cấp.
-
Do ngộ độc (rượu, thuốc an thần, Strychnine, rimifon và các chất gây co giật khác...).
-
Do thuốc: Các thuốc nhóm Statin, Cocain, Heroin, các ma túy tổng hợp.
-
Hôn mê hoặc bất động lâu (tai biến mạch máu não...).
-
Co giật toàn thân nặng và kéo dài, vận động cơ quá mức.
-
Nọc độc: Rắn cắn, ong đốt...
-
Thiếu máu cục bộ cấp tính: Tắc động mạch cấp tính do chèn ép, do khí, do cục máu đông sau các kỹ thuật xâm lấn mạch máu
- Nguyên nhân chấn thương: Chấn thương nặng, hội chứng vùi lấp.
- Điện giật, bỏng, sét đánh.
- Một số trường hợp khác: Tăng hoặc hạ thân nhiệt kéo dài, giảm kali máu, giảm natri máu, nhiễn toan ceton, hôn mê tăng thẩm thấu, viêm đa cơ, suy giáp, thiếu một số men chuyển hóa...
Tuỳ vào lứa tuổi, chuyên gia sẽ định hướng nhóm nguyên nhân nào nhiều hơn. Ở trẻ em, tỷ lệ tiêu cơ vân khởi phát sau nhiễm virus, nhiễm trùng khá cao.
Tiêu cơ vân cấp là hội chứng hiếm gặp ở trẻ em.
Triệu chứng đặc trưng tiêu cơ vân cấp
Tùy thuộc vào nguyên nhân mà triệu chứng mức độ sẽ có biểu hiện khác nhau nhưng đặc trưng của tiêu cơ vân cấp thường có biểu hiện sau:
-
Đau cơ, mức độ đau cơ. Chỉ điển hình ở bệnh nhân chấn thương, các bệnh nhân nội khoa thường ít triệu chứng điển hình.
-
Nước tiểu màu đỏ nâu, sau đó chuyển màu nâu đen.
- Các triệu chứng khác của người bệnh như: Sốt, nhịp tim nhanh, nôn và buồn nôn, đau bụng. Rối loạn tâm thần có thể do nguyên nhân gây bệnh (ví dụ: chấn thương, ngộ độc, rối loạn điện giải).
Tóm lại: Tiêu cơ vân cấp là hội chứng hiếm gặp ở trẻ em. Tỷ lệ mắc phải tiêu cơ vân thứ phát từ 5 - 8%, tỷ lệ tử vong tầm 10% nếu không được điều trị kịp thời. Khi bệnh nhân được chẩn đoán có tiêu cơ vân, cần được nhập viện để truyền dịch, theo dõi sát lâm sàng, tư vấn kịp thời và làm xét nghiệm thường xuyên. Nhập viện khi bệnh nhân có rối loạn điện giải, loạn nhịp, hoặc tổn thương thận cấp cần lọc máu.
Tổn thương thận cấp là một biến chứng nặng thường gặp của tiêu cơ vân, 13 - 46% bệnh nhân bị tiêu cơ vân có tổn thương thận cấp. Các triệu chứng khác có thể gặp là sốt, nhịp tim nhanh, nôn, đau bụng, khó thở… Nếu được phát hiện, chẩn đoán sớm sẽ giảm bớt được các tổn thương thận cũng như các biến chứng khác. Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như đã nêu ở trên, gia đình nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Theo BS Nguyễn Hồng Quế/suckhoedoisong.vn - 12/09/2023
https://suckhoedoisong.vn/can-benh-khien-be-3-tuoi-khong-di-lai-duoc-nguy-hiem-the-nao-169230911214225217.htm