Cập nhật: 17/09/2023 14:56:00
Xem cỡ chữ

Từ đầu năm đến nay, giá thép trên thị trường ghi nhận sự sụt giảm liên tiếp trong khi sức mua cũng không hề tăng. Điều này đang đặt lên vai các doanh nghiệp sản xuất thép rất nhiều áp lực. Cũng chính vì vậy, các doanh nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp để có thể vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo đời sống, thu nhập cho người lao động.

Cùng thời điểm này mọi năm, kho hàng của Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Linh Nhã Vĩnh Phúc - đại lý phân phối của Tập đoàn Sản xuất Thép Việt Đức luôn đầy ắp các sản phẩm thép xây dựng. Tuy nhiên, hiện kho chứa hàng của doanh nghiệp này chỉ có một số ít mặt hàng bởi từ đầu năm đến nay, sức mua trên thị trường giảm mạnh từ 45-55% so với cùng kỳ mọi năm, trong khi giá bán thép đã giảm cả chục lần. Doanh thu bán hàng giảm đi, đồng nghĩa với thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, để duy trì việc làm ổn định và thu nhập cho người lao động, doanh nghiệp đang phải gồng mình vượt khó.

Theo đại diện của Tập đoàn sản xuất Thép Việt Đức, từ đầu năm đến nay, giá thép đã giảm 20 lần, đưa giá thép từ 16 triệu đồng/tấn xuống chỉ còn 13 triệu đồng/tấn; sản lượng thép 8 tháng đầu năm của toàn ngành giảm khoảng 23% so với cùng kỳ, con số này của Tập đoàn Sản xuất Thép Việt Đức chỉ là 7,3%.

Nguyên nhân chính được cho là nhu cầu tiêu thụ chậm, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại. Để có thể giảm thiểu tác động của giá thép đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, cũng như đảm bảo đời sống ổn định cho người lao động, doanh nghiệp đã có những dự báo về tình hình thị trường Thép sát với thực tế, từ đó đề ra các mục tiêu định hướng kinh doanh phù hợp.

Trong khi các giải pháp của Chính phủ, của các Bộ, ngành, các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chưa có nhiều chuyển biến, thị trường Thép toàn ngành còn ảm đạm, thì sự linh hoạt sáng tạo trong triển khai các giải pháp sản xuất kinh doanh chính là yếu tố then chốt để mỗi doanh nghiệp sản xuất thép vượt qua khó khăn.

Hải Đăng