Cập nhật: 22/09/2023 09:14:00
Xem cỡ chữ

Mới đây, tại Diễn đàn Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất do Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì cùng Ban Kinh tế Trung ương đã giới thiệu một số kết quả của Báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam 2022. Theo đó, Vĩnh Phúc đứng thứ 5 cả nước về tỷ trọng kinh tế số trên tổng sản phẩm (GRDP).

Theo đó, tỷ lệ kinh tế số trên GRDP của Vĩnh Phúc đạt 22,87%; đứng đầu là tỉnh Bắc Ninh với tỷ trọng đạt 56,83%. Nhóm 5 tỉnh dẫn đầu về kinh tế số ICT với thế mạnh từ việc sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ lớn và cũng nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước. Sau 26 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm sáng trong khu vực kinh tế phía Bắc.

Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp như: Sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất phương tiện vận tải... Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định và các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CĐS.

Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng ngày chuyển đổi số Quốc gia 10/10 và ra mắt ứng dụng VinhPhucID. Hết năm 2022, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 65 -70%; tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng định danh điện tử đạt 15-20%; tỷ lệ thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt đạt trên 50%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn, công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số đạt trên 30%.

Hải Đăng