Với nhiều chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp đổi mới hoạt động giáo dục, áp dụng nhiều ngành nghề đào tạo mới, hướng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động.
Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc đã huy động các nguồn lực đầu tư trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại; xây dựng chương trình dạy học phù hợp, hiệu quả; chú trọng đầu tư các ngành, nghề thị trường lao động đang cần như: Điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô... Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên làm quen với môi trường làm việc của doanh nghiệp ngay trong quá trình đào tạo và được tiếp cận với hệ thống máy móc, công nghệ, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tế.
Hiện toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 33 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với gần 2.000 cán bộ, giáo viên, giảng viên. Triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, mở rộng quy mô đào tạo các ngành, nghề theo nhu cầu thị trường; tăng các tiết dạy thực hành, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Vĩnh Phúc đang trong quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn; đổi mới công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Cùng với đó, tăng cường hợp tác, liên kết, đặt hàng đào tạo với các trường đại học; thực hiện chương trình đào tạo mới theo chuẩn khu vực và quốc tế. Kịp thời điều chỉnh công tác giải quyết việc làm, giáo dục nghề nghiệp theo sự thay đổi, biến động của thị trường lao động .
Để hoạt động giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác này. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động tham mưu rà soát, sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người học nghề; đẩy mạnh phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.
Vũ Hằng