Cập nhật: 03/10/2023 08:43:00
Xem cỡ chữ

Hiện nay, người nông dân Vĩnh Phúc không chỉ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng xuất, chất lượng và giá trị nông sản mà còn biết vận dụng công nghệ số vào hỗ trợ quảng bá, liên kết và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Điều này cho thấy, chuyển đổi số đã không còn là giải pháp lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Nông nghiệp mà người nông dân chính là chủ thể.

Đại hội XIII của Đảng đã đề cao ý chí, khát vọng phát triển đất nước để đến năm 2025 đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp. Trong đó, chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ cụ thể, thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước. Với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một trọng những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn.

Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 16/5/2022 về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Và Quyết định số 880/QĐ-TU ngày 23/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Hội Nông dân tỉnh đã quán triệt, triển khai và ban hành một số Nghị quyết, Kế hoạch tuyên truyền vận động hội viên nông dân toàn tỉnh tích cực tham gia chuyển đổi số ;giao Hội Nông dân các huyện thành phố tăng cường đưa ít nhất 100 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Xác định chuyển đổi số là giải pháp tích cực để hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. Hội Nông dân tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm; hướng dẫn nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp như: cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đất đai; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân quyết định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 30 hợp tác xã nông nghiệp do hội viên nông dân làm chủ đang thực hiện ứng dụng một hoặc một số loại công nghệ cao trong sản xuất và quản lý như: Lắp đặt hệ thống tưới tự động, công nghệ nhà lưới, nhà kính, nhà màng có hệ thống điều khiển bán tự động, dán tem truy xuất nguồn gốc; sử dụng các phần mềm quản lý kế toán, kê khai thuế, thư điện tử, lưu trữ dữ liệu, chữ ký số, camera giám sát quá trình.

Bắt nhịp với chuyển đổi số, bên cạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, một số hợp tác xã, hàng trăm hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã tận dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, xây dựng Website bán hàng, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, tìm kiếm thị trường, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Hàng trăm sản phẩm nông nghiệp của các hợp tác xã, hộ sản xuất đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên 2 sàn thương mại điện tử Postmart.vn, nhiều hợp tác xã đã chủ động chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và thông tin về sản phẩm qua mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Việc ứng dụng công nghệ số đã giúp người nông dân xóa nhòa ranh giới về địa lý, giúp tháo gỡ những điểm nghẽn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Việc người nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, hay livestream bán hàng trên không gian mạng đã trở thành phong trào .

Yếu tố đầu tiên trong chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức, để thay đổi tư duy cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ nông dân đổi mới phương thức kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trên nền tảng thương mại điện tử, Hội Nông dân với vai trò là cầu nối, đã phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ hội viên ứng dụng công nghệ như cài đặt ứng dụng, đăng ký mở tài khoản, quảng bá, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.

Nhiều mô hình và nông sản đã xây dựng được thương hiệu trên các sàn giao dịch điện tử như: Mô hình trồng nấm, dưa chuột, dứa lưới, măng tây, thanh long ruột đỏ; sản phẩm của các làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP.

Qua sàn Postmart, Hội nông dân tỉnh còn giúp hội viên giới thiệu gần 100 sản phẩm cấp tỉnh, nâng cao số lượng ố sản phẩm được chứng nhận đạt hạng basao, bốn sao. Không dừng lại ở bài toán tìm đầu ra cho nông sản, thương mại điện tử được coi là kênh bán hàng hiệu quả nhất để người nông dân tiếp cận với một số hàng hóa và dịch vụ. Điều này đã thúc đẩy thị trường thương mại điện tử nông thôn.

Từ thực tế các chương trình hành động hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên nông dân áp dụng công nghệ số, vươn lên làm giàu. Nhiều nông dân đã thu được tiền tỷ trên chính những mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Người nông dân giờ đã hoàn toàn khác xưa, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh và sử dụng thành thạo mạng xã hội, họ dễ dàng cập nhật được thông tin, kiến thức mới, cũng như kết nối với thị trường từ đó biết áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Nhiều nông dân đã áp dụng các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên nước, phân bón để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động.

Quá trình triển khai, cán bộ, hội viên nông dân vào cuộc với quyết tâm cao nên việc thực hiện chương trình đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, giúp người bán lan tỏa phạm vi bán hàng rộng hơn, người mua thì mua được sản phẩm tốt, giá thành hợp lý. Đồng thời, giúp việc mua bán, trao đổi không phải qua trung gian, không chịu phí thuê kho bãi, hạn chế hàng kém chất lượng và cũng hạn chế việc thanh toán bằng tiền mặt.

Cán bộ Hội Nông dân chính là người biết rõ nông dân cần hỗ trợ những gì. Chuyển đổi số có tác dụng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên tỷ lệ nông dân hiểu về công nghệ và thành công vẫn là con số ít. Nhưng đây sẽ là những người đi đầu, dẫn dắt để cho hàng triệu hội viên nông dân cùng bước vào công cuộc chuyển đổi số đầy gian nan, thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để làm cuộc "đại thay đổi" cho ngành nông nghiệp, với mục đích xuyên suốt là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân và xây dựng nông thôn mới phát triển cùng với sự phát triển chung của đất nước.

Bích Hằng