Cập nhật: 12/10/2023 14:21:00
Xem cỡ chữ

Tiếp tục phiên họp 27, sáng nay, Ủy ban TVQH tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021", đoàn giám sát đề nghị, làm rõ có hay không thực trạng "lợi ích nhóm" trong hợp đồng, giá điện; đồng thời kiến nghị năm 2023, làm rõ nguyên nhân gây ra khoản lỗ của các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước phát triển năng lượng.

Báo cáo của đoàn giám sát chỉ rõ ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng nhu cầu năng lượng được dự báo là 113 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 194 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.

Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ những hạn chế cho thấy mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, đặc biệt đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ năm 2022, thiếu điện một số thời điểm của năm 2023; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ. 

Uy ban tvqh giam sat lam ro co hay khong loi ich nhom trong gia dien hinh anh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, làm rõ có hay không? "lợi ích nhóm" trong hợp đồng, giá điện: "Đánh giá những ách tắc, vướng mắc trong điều hành giá điện, giá than, giá khí và xăng dầu vừa qua. Nguyên nhân và trách nhiệm thế nào? Đánh giá kỹ hơn thực trạng thực hiện quy hoạch điện 7. Điện 7 điều chỉnh những vướng mắc giữa quy hoạch và truyền tải điện ra sao để xảy ra tình trạng điện thì thừa, nhưng không hòa lưới điện quốc gia và một số doanh nghiệp rất bất bình và không tin vào chính sách năng lượng. Quy hoạch thì vượt công suất truyền tải, đến khi người ta có điện không hòa lưới".

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ đối với những năng lượng nhập khẩu: “Trong báo cáo chúng ta nhập khẩu điện bây giờ khá nhiều và nếu nhập khẩu điện nhiều như thế thì không hiểu kinh nghiệm của quốc tế trong cơ cấu điện nhập khẩu là bao nhiêu? vấn đề về cơ chế tài chính về nhập khẩu, nhập khẩu cũng phải có cơ cấu tỷ lệ như thế nào?. Ví dụ như sản xuất than giảm quy mô công suất thì bù đắp nhập khẩu nguồn than để các nhà máy điện trong nước ta hoạt động giám sát như thế nào?.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giám sát phải chỉ ra được trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, liên quan nhưng dự thảo Nghị quyết chưa đề cập cụ thể, còn chung chung. Do vậy, trọng tâm của hoạt động giám sát nên tập trung vào việc thực hiện Quy hoạch điện 7 và kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8. Việc ban hành nghị quyết cần chỉ ra những vấn đề lớn cần triển khai thực hiện trong giai đoạn tới, trong đó có chuyển đổi năng lượng công bằng; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, chính sách trong việc phát triển năng lượng; bổ sung các số liệu, cập nhật tình hình thực tế trong dự thảo Nghị quyết...

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Loạt các dự án về ngành năng lượng nguy cơ thất, thoát lãng phí lớn mà Nghị quyết giám sát của Quốc hội về lĩnh vực năng lượng đã được chỉ ra, trong này đã làm được chưa? Giám mà không sát thì cuối cùng cũng phải chịu trách nhiệm. Vấn đề giá trong này, chính sách giá cũng không cụ thể: giữa giá khí với giá điện, có giá đầu ra thì không làm được đầu vào thì không làm được đầu ra. Vậy vai trò điều phối Nhà nước ở đây thế nào?"

Uy ban tvqh giam sat lam ro co hay khong loi ich nhom trong gia dien hinh anh 2

Toàn cảnh phiên họp

Giải trình tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết bất cập lớn nhất hiện nay là pháp luật trong từng lĩnh vực điện lực, dầu khí,... được xây dựng tương đối độc lập. Việc phê duyệt quy hoạch vẫn còn lúng túng bởi trên thực tế, vấn đề này được điều chỉnh ở các luật khác nhau, nhiều vấn đề chưa chế định trong các văn bản. Do đó, cần làm rõ các sơ hở liên quan tới điều chỉnh quy hoạch và cơ sở quy hoạch. Về vấn đề giá điện, phương pháp định giá và các quy định pháp luật thì giá vẫn còn nhiều tranh cãi.

Chính phủ đã nhận ra điều này và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chưa cần sửa Luật Điện lực vẫn có thể quy định được giá thị trường của giá điện, đặc biệt cho phép mua bán điện trực tiếp và tính toán thêm một số chi phí liên quan đến vận hành, điều tiết, phân phối... Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ ban hành 1 nghị định và 3 thông tư, trong đó có thể tham khảo kinh nghiệm thế giới về hình thức mua bán điện trực tiếp.

Thời gian tới, Đoàn giám sát kiến nghị, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp; Đánh giá tính khả thi của các dự án nguồn và lưới điện dự kiến thu hút đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách; Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm toán, thanh tra xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng; trong năm 2023, làm rõ nguyên nhân gây ra khoản lỗ của các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước phát triển năng lượng trong thời gian vừa qua.

Theo Lại Hoa/VOV1 - 12/10/2023

 https://vov.vn/chinh-tri/uy-ban-tvqh-giam-sat-lam-ro-co-hay-khong-loi-ich-nhom-trong-gia-dien-post1052045.vov