Cập nhật: 10/10/2023 09:35:00
Xem cỡ chữ

Tốc độ đô thị hóa, xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội phần nào đã làm ảnh hưởng và tác động đến ao, hồ, đầm trên địa bàn cả nước nói chung. Tại tỉnh Vĩnh Phúc có rất nhiều ao, hồ, đầm đã góp phần tạo nên danh tiếng lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch, dịch vụ như: Đầm Vạc, Đầm Rưng, Hồ Đại Lải, Hồ Vân Trục. Bảo vệ ao, hồ, đầm là bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường.

Tại khoản 7, Điều 60 của Luật tài nguyên nước, ngày 21 tháng 6 năm 2012 có quy định, ao, hồ, đầm không được san lấp để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước. Thực hiện Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1687 ngày 20/9/2022 về việc phê duyệt danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Theo Quyết định, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 874 ao, hồ, đầm không được san lấp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành căn cứ thực hiện Luật, nhất là việc lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tại văn bản số 1493 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đôn đốc các tỉnh, thành phố lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp có nhận định: Tình trạng san, lấp hồ ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Điều này dẫn đến các nguồn nước ngày càng bị suy thoái, cạn kiệt, giảm khả năng cấp nước cho dân sinh, gia tăng tình trạng ngập, úng, giảm khả năng trữ nước mưa... ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch.

Chính vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc sớm phê duyệt, ban hành các danh mục nêu trên nhằm tuân thủ các quy định về quản lý tài nguyên nước, trách nhiệm điều phối giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Đồng thời, là cơ sở quan trọng trong việc tổ chức, lập Quy hoạch vùng, tỉnh, đặc biệt liên quan đến phần đất có mặt nước, đất hành lang sông hồ để bảo vệ nguồn nước, đất có ao, hồ thuộc danh mục cấm san lấp và phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy định của pháp luật về Quy hoạch.

Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh, chính quyền cơ sở đã công khai, công bố danh mục ao, hồ, đầm không được san lấp trên địa bàn và cho rằng đây là điều rất cần thiết, mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực.

Tại huyện Tam Đảo hiện nay có 40 ao, hồ, là địa phương có số lượng ao, hồ ít nhất trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên những ao, hồ này có vai trò rất lớn đối với sản xuất và đời sống của Nhân dân; tích trữ nước vào mùa mưa, điều tiến nước vào mùa khô. Phần lớn nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hiện nay được lấy từ các ao, hồ nội huyện.

Trong điều kiện thời tiết có nhiều biến đổi không theo quy luật như hiện nay, việc bảo vệ các ao, hồ còn được ví như chiếc máy điều hòa làm mát không khí, giữ chức năng trong việc chống úng ngập cục bộ, giúp phát triển cây xanh, thảm cỏ, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên; cung cấp nước tưới cho sản xuất, sinh hoạt. Nhận thấy rõ vai trò của các ao, hồ, chính quyền địa phương cũng đã kè đá chống sạt lở, chống lấn chiếm. Trước tốc độ đô thị hóa, mật độ dân số và nhu cầu về nhà ở gia tăng, người dân cũng đã nhận thấy sự cần thiết phải bảo vệ, chống san lấp các ao, hồ, đầm hiện hữu.

Huyện Bình Xuyên là địa phương dành nhiều diện tích đất để phát triển các khu công nghiệp, song các ao, hồ được chính quyền địa phương và chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp ưu tiên bảo vệ. Không ít ao, hồ đầm nằm trong diện tích các khu công nghiệp nhưng vẫn được duy trì, bảo vệ trở thành hồ điều hòa, tạo cảnh quan, trở thành điểm nhấn hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, trong quá trình quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp, huyện Bình Xuyên cũng đã lựa chọn vị trí, địa điểm không làm mất đi các ao, hồ.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường các ao, hồ đầm, năm 2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 38 về việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, cải tạo cống, rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Thực hiện Luật Tài nguyên nước. Nghị quyết HĐND tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chính quyền các địa phương triển khai thực hiện bảo vệ nguyên trạng diện tích và cải tạo nguồn nước, trở thành điểm nhấn cảnh quan của địa phương

Không chỉ phục vụ tốt đời sống của con người, quản lý, bảo vệ tốt, ao, hồ, đầm còn hấp dẫn với loài chim tự nhiên. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm ở đây môi trường các, ao, hồ đầm được bảo vệ đã thu hút nhiều đàn chim tự nhiên đến cư trú, sinh sống. Điều này giúp cho con người sống gần gũi, chan hòa với thiên nhiên.

Lỗ Hiếu