Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn đi nhấn lại rằng, vấn đề quy hoạch chỉ là bước đầu, đó cũng là tính chất của công tác quy hoạch của ta, “động và mở” chứ không phải “nhất thành bất biến”.
Kết luận Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, liên quan công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Bộ Chính trị căn cứ vào kết quả giới thiệu của Trung ương, sự rà soát, thẩm định của Ban Chỉ đạo, các ban đảng Trung ương và các cơ quan chức năng, sớm xem xét, quyết định một bước quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031, làm cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch; nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch.
Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII (Ảnh: Ngọc Thành)
Nhiều cán bộ khi vào được quy hoạch không chịu rèn luyện mình
Có thể thấy, chỉ đạo của Tổng Bí thư là rất rõ ràng cán bộ được đưa vào quy hoạch không chỉ được đào tạo, bồi dưỡng mà còn chịu sự theo dõi, kiểm tra, giám sát, nếu không đủ điều kiện, tiêu chuẩn sẽ được đưa ra khỏi quy hoạch. Đây cũng là phương châm chỉ đạo công tác cán bộ của Đảng ta "có vào, có ra; có lên, có xuống".
TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, đây cũng là điều mà người đứng đầu Đảng ta hiện nay trăn trở suốt 30 năm qua. Khi còn là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhiều lần Tổng Bí thư trăn trở vì sao trong công tác cán bộ, chuyện “vào ra, lên xuống” không bình thường, người ta cứ tưởng được quy hoạch là đã xong nên nhiều cán bộ khi vào được quy hoạch không chịu rèn luyện mình, thậm chí đứng ngoài sự kiểm tra, giám sát của tổ chức, của nhân dân. Cho nên cán bộ đó dù có được vào một cách chính thức, trước sau cũng thất bại. Đó cũng là cảnh báo từ thực tiễn trong nhiều chục năm qua.
TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Theo nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đây là lần thứ 4, Tổng Bí thư nhắc vấn đề quy hoạch. Bởi đó là môi trường, là thời gian, là khí phách rèn luyện của cán bộ để trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý của đất nước. Vì thế, Tổng Bí thư nhấn đi nhấn lại rằng, vấn đề quy hoạch chỉ là bước đầu, đó cũng là tính chất của công tác quy hoạch của ta, “động và mở” chứ không phải “nhất thành bất biến”.
Nhấn mạnh, công tác quy hoạch ở mấy đại hội vừa qua tuy đã được làm khá chặt chẽ nhưng vẫn có nhiều trường hợp không đủ tiêu chuẩn, GS-TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, sở dĩ xảy ra tình trạng đó là vì khi đánh giá cán bộ người ta đã không xem xét cả quá trình, mà chỉ xét một vài thời điểm.
Đồng tình với quan điểm của Tổng Bí thư khi kết luận Hội nghị Trung ương 8, GS-TS Nguyễn Trọng Chuẩn cho rằng, ở ta, chuyện cán bộ lên, xuống đặt ra quá cao và tồn tại khá lâu, khiến cho công tác cán bộ được mặc định: đã vào thì rất khó ra; đã lên thì rất khó xuống.
Để không lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, giải pháp quan trọng nhất theo GS-TS Nguyễn Trọng Chuẩn chính là dân chủ từ cơ sở. Từ trên nhìn xuống sẽ không thấy hết được đạo đức, năng lực cán bộ thế nào, nhưng cơ sở có thể thấy rất rõ. Muốn phát huy được dân chủ thì phải thực sự tôn trọng quần chúng. Khi quần chúng hiểu được trách nhiệm của mình, họ sẽ nói hết.
GS-TS Nguyễn Trọng Chuẩn cũng cho rằng, dân chủ ở cơ sở tuy đã nói đến từ lâu nhưng việc thực hiện chưa thật tốt. Vì vậy, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV, nhất định phải thực hiện dân chủ ở cơ sở thật tốt, thực hành dân chủ một cách thực chất.
Còn theo TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đó chính là sự giám sát của nhân dân. Nhiều nhân sự bị bắt, tổ chức không biết, cơ quan không biết và khi bắt thì tổ dân phố nói rằng không lấy gì làm lạ. Như vậy để thấy sự giám sát của nhân dân trước hết ở nơi cư trú, anh ta có thể giấu được 100 đôi mắt ở cơ quan nhưng không thể giấu được hàng nghìn đôi mắt của nhân dân, đặc biệt ở nơi cư trú.
Cũng theo TS Nhị Lê, chúng ta có một quy trình để lựa chọn, đánh giá cán bộ nhưng thực tiễn cho thấy quy trình đó phụ thuộc nhiều vào người thực hiện.
“Chúng ta có thước để đo nhưng đo đúng, đo sai đều do tay người cầm thước. Cho nên trách nhiệm trước hết của những người làm công tác tổ chức theo tôi chỉ cần 8 chữ: tầm nhìn, trung thực, dũng khí và trong sạch. Nếu không giữ được 8 chữ này, chắc chắn chúng ta sẽ chỉ lựa chọn được những kết quả không mong muốn”, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh.
Cán bộ chiến lược cần đạo đức trong hành động, trong tư tưởng
Đất nước cần những cán bộ hội đủ cả đức và tài, nhưng như Bác Hồ từng nói, cán bộ có đạo đức mà không có tài hoặc ngược lại thì không thể làm lợi cho dân, cho nước.
Vì thế, GS-TS Nguyễn Trọng Chuẩn cho rằng, muốn có được cán bộ hội đủ cả tài và đức, trước hết mỗi cán bộ phải luôn tự tu dưỡng mình, tự ý thức về khả năng của mình, cần sửa gì, cần bổ sung gì. Tu dưỡng ở đây là cán bộ phải luôn luôn học tập, rèn luyện, tu dưỡng, đừng nghĩ mình đã được đưa vào quy hoạch hay đã được ngồi vào vị trí đó là coi như xong, không cần phải làm gì thêm. Việc học tập, nghiên cứu để có thể đưa ra những quyết sách đúng là cả một quá trình, chứ không nhất thời. Cán bộ càng cao, càng phải giữ tư cách, càng phải chú trọng tự sửa mình, tự ý thức về mình để sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ cũng như từ chức khi không đáp ứng yêu cầu.
Còn theo TS Nhị Lê, điều mà cán bộ chiến lược được quy hoạch lần này cần vươn tới đó là cán bộ có đạo đức trong hành động, trong tư tưởng. Kinh nghiệm từ lịch sử cho thấy, khi chọn người làm quan, ông cha ta cũng chọn người như vậy. Sinh thời, khi chọn cán bộ cho Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hết sức coi trọng vấn đề đạo đức và hành động đạo đức, đây là 2 yếu tố cấu tạo nên tư cách của một con người. Muốn trở thành lãnh đạo, trước hết anh phải trở thành một nhân cách văn hóa, một người có đạo đức.
Theo Thanh Hà/VOV.VN – 16/10/2023
https://vov.vn/chinh-tri/xay-dung-chinh-don-dang/cong-tac-nhan-su-dai-hoi-xiv-quy-hoach-chi-la-buoc-dau-post1052694.vov