Những ngày qua, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm sâu, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn giữ ở mức cao khiến người chăn nuôi lỗ nặng, nhiều hộ không dám tái đàn.
Ông Đỗ Quang Biên - Chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch cho biết, từ đầu năm đến nay, gia đình ông cũng như nhiều hộ chăn nuôi luôn ở tình trạng thấp thỏm, lo lắng. Đầu năm thì đối mặt với tình trạng giá thức ăn cao nhưng giá lợn hơi lại lao dốc, chỉ ở mức 45.000 - 50.000 đồng/kg khiến nhiều hộ nuôi phải chịu thua lỗ, thậm chí còn bỏ chuồng trại. Sang đến tháng 8, giá lợn hơi tăng dần lên trên 60.000 đồng/kg nhưng mới chỉ được hơn 1 tháng lại bất ngờ giảm mạnh khiến nhiều hộ chăn nuôi chưa kịp trở tay.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, giá lợn hơi sẽ còn nhiều biến động và dự báo có thể tiếp tục giảm sâu. Nếu giá tiếp tục giảm, người chăn nuôi sẽ thua lỗ nặng bởi ở thời điểm hiện tại, phải bán được mức giá khoảng 50.000 đồng/kg người nuôi mới hòa vốn.
Trước thực tế này, câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu có xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024. Về việc này, đại diện Chi cục Thú y tỉnh cho biết, tình hình chăn nuôi lợn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trên địa bàn tỉnh đang khá ổn định.
9 tháng năm 2023, tổng đàn lợn của tỉnh đạt gần 489.000 con; sản lượng thịt lợn hơi đạt gần 63.000 tấn. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến thất thường, nắng mưa xen kẽ, kèm các đợt không khí lạnh nên đàn vật nuôi không kịp thích nghi, dễ bị các loại vi rút tấn công, tạo cơ hội để dịch bệnh phát triển. Do đó, người chăn nuôi cần cẩn trọng phòng, chống dịch bệnh. Ngoài việc tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cần tiêm phòng bổ sung khi tái đàn; tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại.
Đặng Thưởng