Cập nhật: 20/10/2023 17:21:00
Xem cỡ chữ

Chiều 20/10, Ban Chỉ đạo Thực hiện Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang chủ trì Hội nghị 

Thực hiện Đề án, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn lồng ghép nội dung vào các chương trình, kế hoạch như: Phát động phong trào nói không với túi nilon, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; vận động Nhân dân, mỗi hộ gia đình ở khu dân cư tích cực tham gia phong trào bảo vệ môi trường, hình thành ý thức thói quen tích cực trong việc phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình, tập kết rác thải đúng nơi quy định. Đồng thời, triển khai xây dựng các mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường.

Để đạt các mục tiêu về xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải, cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung được giao. Tuy nhiên đến nay việc triển khai còn chậm, trong đó huyện Yên Lạc mới triển khai được 12 bãi rác, huyện Sông Lô triển khai được 2 bãi; huyện Lập Thạch triển khai được 1 bãi, riêng huyện Tam Đảo chưa triển khai được hạng mục nào theo kế hoạch.

Để Đề án đạt được mục tiêu đã đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong công tác triển khai dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung trên địa bàn. Mỗi địa phương cần giải quyết triệt để vấn đề thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại địa bàn. Trong đó, các huyện, thành phố cần chủ động rà soát, xác định vị trí, tiếp tục triển khai các phương án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại địa phương. Đồng thời, tham quan mô hình thu gom rác thải ở Yên Lạc để áp dụng và vận hành tại địa phương mình đạt hiệu quả tốt nhất. Đồng chí giao Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu nguồn vốn bảo đảm yêu cầu để các cơ quan, đơn vị trong việc thu gom rác thải; xây dựng mức giá chung cho toàn tỉnh; tất cả các địa phương trong năm 2023 đều phải có điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt.

Tiếp đó đồng chí Vũ Chí Giang, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị đánh giá tiến độ triển khai các dự án nạo vét thuỷ vực ô nhiễm theo Nghị quyết số 38 năm 2019 của HĐND tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh có 198 thủy vực được phê duyệt nạo vét, cải tạo. Tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh đã hoàn thành việc nạo vét của 75 thủy vực, 56 thủy vực đang thực hiện, còn lại 67 thủy vực không đủ điều kiện triển khai. Theo đánh giá, tỷ lệ hoàn thành việc nạo vét các thủy vực trên địa bàn tỉnh tương đối thấp, mới đạt 57%, ngoài thành phố Phúc Yên chưa có địa phương nào đạt 100%.

Nguyên nhân được cho là các địa phương gặp khó khăn trong công tác bố trí vốn đối ứng khi triển khai thực hiện dự án cải tạo, nạo vét; nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc thực hiện các dự án cải tạo, nạo vét thuỷ vực ô nhiễm; một số địa phương chưa đánh giá đúng mức độ ô nhiễm của các thuỷ vực, nhiều thuỷ vực trong danh sách trùng với các dự án đã quy hoạch dẫn đến nhiều thuỷ vực không thể thực hiện.

Cho ý kiến vào nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang yêu cầu các địa phương cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện nạo vét ở các thủy vực đang triển khai thực hiện; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu tại địa phương đối với việc nạo vét, khắc phục ô nhiễm môi trường các thuỷ vực, đảm bảo môi trường sống trong khu dân cư.

Thực hiện quản lý chặt chẽ, bảo vệ ao hồ, đầm không để xảy ra tình trạng san lấp, lấn chiếm. Đồng thời, tập trung cân đối, bố trí nguồn vốn hỗ trợ theo cơ chế để hoàn thành việc nạo vét các thủy vực tại các địa phương.

Hà Giang