Chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi đang được đánh giá là bước quan trọng nhằm phát triển chăn nuôi một cách toàn diện, hiệu quả, bền vững. Tại Vĩnh Phúc, chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi đã giúp các trang trại, hộ chăn nuôi vận hành theo hướng chuyên nghiệp để cho ra các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm. Cùng với đó cũng giúp người nông dân thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Sau khi đầu tư hệ thống chuồng kín, máng ăn, máng uống và làm mát tự động, trang trại gà thịt gần 10.000 con của gia đình anh Nguyễn Duy Hiển, thôn Làng Mạ, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo không còn phải thường xuyên lo lắng về vấn đề dịch bệnh cũng như sự thay đổi nhiệt độ từ thời tiết tác động đến sức khỏe đàn gà. Từ đó, giúp việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình anh được thuận tiện và dễ dàng hơn rất nhiều.
Từ chỗ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, những năm gần đây, trên địa bàn xã Tam Quan, huyện Tam Đảo đã xuất hiện hơn mô hình chăn nuôi gà có quy mô hơn 5.000 trở lên và đã áp dụng được những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đặc biệt là Đề án “Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, thời gian qua, nông dân Vĩnh Phúc đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất chăn nuôi, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hướng đến chăn nuôi chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, nâng cao thu nhập. Đến nay, đã có trên 88% số cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn trên địa bàn tỉnh đang ứng dụng công nghệ số trong sản xuất chăn nuôi.
Chuyển đổi số trong chăn nuôi không chỉ giúp các trang trại, hộ chăn nuôi vận hành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm mà còn góp phần đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường./.
Phương Liên