Năm học 2023-2024 đã đi được nửa học kỳ I. Đây cũng là năm tiếp theo các cơ sở giáo dục trên cả nước tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn, thách thức.
Loay hoay, xoay sở để cố gắng dạy được môn tích hợp đang là thực tế của nhiều trường THCS hiện nay. Bởi để một giáo viên dạy được kiến thức của 2-3 môn học không dễ. Nhiều phương án được đưa ra nhằm đảm bảo hiệu quả học tập của chương trình mới trong bối cảnh thiếu thiết bị. Tuy nhiên với giáo viên trực tiếp đứng lớp, sau nỗ lực khắc phục vẫn là những vướng mắc.
Vốn được đào tạo chuyên ngành công nghệ và đi dạy nhiều năm, nhưng nay thay vì chỉ dạy môn công nghệ thì thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên Trường THCS Quang Sơn, huyện Lập Thạch phải dạy cả môn tin học, vật lý và sinh học được tích hợp trong môn học khoa học tự nhiên. Vì vậy, vừa dạy thầy Cường phải vừa tự dò kiến thức để dạy được theo yêu cầu. Còn với Trường THCS Hợp Châu, huyện Tam Đảo, do không có giáo viên đủ khả năng phụ trách cả 3 phân môn trong môn khoa học tự nhiên nên nhà trường vẫn phân công mỗi giáo viên dạy một phân môn, tuy nhiên một giáo viên phảo dạy phân môn đó cho cả mấy khối học. Bố trí giáo viên dạy môn tích hợp đang làm "đau đầu" nhiều trường. Bởi không chỉ lo về số lượng mà câu hỏi về chất lượng cũng khiến các nhà trường băn khoăn.
Chất lượng giáo viên là nhân tố quyết định thành bại của đổi mới giáo dục. Nên với việc một lúc phải gánh tới 2,3 vai hoặc gánh một vai nhưng lại quá tải, trong khi cơ sở vật chất lại chưa đảm bảo thì sẽ rất khó để thầy cô hoàn thành tốt công cuộc đổi mới này. Mỗi thầy cô, mỗi nhà trường đều đang có những giải pháp khắc phục những khó khăn, thách thức trong điều kiện thực tế. Tuy nhiên, về lâu dài cần có những cơ chế chính sách ổn định từ ngành giáo dục để đảm bảo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới./.
Hồng Nụ