Cập nhật: 29/10/2023 14:58:00
Xem cỡ chữ

Thủ tướng nhấn mạnh, thành công của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn và thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực.

Sáng 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

thanh cong trong cuoc chien chong dich covid-19 khang dinh tinh than nguoi viet hinh anh 1

Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19

Cùng dự họp Hội nghị có Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Bí thư các tỉnh, thành Ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. 

Covid-19 là đại dịch toàn cầu (lây lan đến 231 quốc gia, vùng lãnh thổ), chưa từng có trong lịch sử, các biến thể có độc lực cao, liên tục biến đổi. Đây là kẻ thù “vô hình”, “rất nguy hiểm”. Đã có nhiều làn sóng dịch bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia, khu vực, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế, kể cả những quốc gia phát triển, có nền y tế hiện đại, cao điểm thế giới đã ghi nhận đến khoảng 3 triệu trường hợp mắc mới mỗi ngày; tỷ lệ tử vong đến cuối năm 2020 là 2,32%, đến cuối năm 2021 là 1,88% và đến nay là khoảng 1%. 

Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19 trong khi đất nước còn nhiều khó khăn, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng còn nhiều hạn chế; hầu hết trang thiết bị, vật tư, y tế, thuốc, sinh phẩm, vaccine... đều chưa sản xuất được, phải nhập khẩu. Trong 3 năm, chúng ta đã trải qua 02 giai đoạn chống dịch và 04 đợt bùng phát dịch, gây nhiều thiệt hại và để lại hậu quả nặng nề. 

Tính đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 11,6 triệu trường hợp mắc, và trên 43 nghìn trường hợp tử vong với tỷ lệ tử vong là 0,37%.

Với quan điểm xuyên suốt “Đặt sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết, trước hết”, công tác phòng, chống dịch luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của BCH TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, ban hành kịp thời các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sát thực tiễn của Chính phủ, TTgCP, các cấp, các ngành, các địa phương. Đồng thời, huy động sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân; sự hợp tác, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của bạn bè quốc tế Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn thách thức, chiến thắng đại dịch Covid-19. Có thể khẳng định, “Thành công trong cuộc chiến chống dịch COVID-19: tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam một lần nữa được khẳng định”.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nêu bật kết quả phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương như: công tác đảm bảo an ninh, trật tự, triển khai nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phòng, chống dịch của Bộ Công an; công tác huy động lực lượng xã hội và thực hiện chính sách an sinh xã hội của Bộ Quốc phòng; công tác vận động và huy động xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; công tác truyền thông của các cơ quan báo chí, truyền thông…

Thay mặt Tổ chức Y tế thế giới, Bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Đại diện WHO chỉ rõ có 6 bài học, yếu tố mà Việt Nam đã thực hiện hiệu quả để thành công trong phòng, chống đại dịch  Covid-19 để chuyển phân loại Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Theo đại diện WHO, Việt Nam có năng lực tốt trong phát hiện, truy vết, khoanh vùng, dập dịch; thực hiện đóng cửa biên giới, phong tỏa các điểm dịch phù hợp; có hệ thống và đội ngũ y tế tận tâm; sáng suốt thực hiện chiến lược vaccine thần tốc; có sự tham gia tích cực của cả cộng đồng; đặc biệt có sự quyết đoán, tận tâm của lãnh đạo Chính phủ trong phòng, chống dịch.

thanh cong trong cuoc chien chong dich covid-19 khang dinh tinh than nguoi viet hinh anh 2

Bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam

Bà Angela Pratt chúc mừng những nỗ lực ứng phó rất quyết liệt và hiệu quả của Việt Nam để đẩy lùi đại dịch Covid-19. Bà Angela Pratt cho rằng, trong những ngày đầu của đại dịch, Việt Nam đã kiểm soát số ca nhiễm và tử vong ở mức rất thấp nhờ các quyết sách kịp thời của Chính phủ trong việc triển khai một loạt các biện pháp xã hội và y tế công cộng hiệu quả.

Việt Nam đã triển khai một chiến dịch bao phủ vaccine thần tốc bao gồm cả nỗ lực đảm bảo vaccine đến được với mọi người trên đất nước. WHO đã tự hào được đồng hành, hỗ trợ những nỗ lực này cùng với các đối tác như UNICEF để đưa hơn 70.000.000 liều vaccine Covid- 19 về Việt Nam thông qua cơ chế Covac

"Chiến dịch triển khai vaccine đặc biệt này đã tạo tiền đề cho việc mở cửa lại theo từng giai đoạn mà Việt Nam cũng là một trong những điểm phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhất trong khu vực, và cách thức ứng phó của Việt Nam trước đại dịch covid 19 đã trở thành hình mẫu tham khảo cho các quốc gia khác. Thay mặt cho WHO tôi xin đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong đó có Bộ Y tế, cũng như đội ngũ nhân viên y tế, doanh nghiệp, cộng đồng và các đối tác vì những nỗ lực của tất cả các bạn"- Bà Angela Pratt nói

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, thắng lợi đại dịch Covid-19 là thắng lợi của Nhân dân, dưới sự lãnh đạo kịp thời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành của Chủ tịch nước, Quốc hội, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thống nhất của chính quyền các cấp; sự ủng hộ, tin tưởng, tích cực tham gia của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, thành công của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn và thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Thủ tướng trân trọng đánh giá cao các cấp ủy Đảng, chính quyền các ngành, các địa phương, các Ban chỉ đạo các cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân và góp phần làm nên thắng lợi trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu, lực lượng y tế, quân đội, công an, Ban chỉ đạo các cấp và các lực lượng khác.

"Cũng tại hội nghị này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao tri ân tất cả sự đóng góp của nhân dân, nhất là những người hảo tâm và đặc biệt là gửi lời tri ân đến những người hy sinh cho công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 và gửi lời chia buồn, chia sẻ với những gia đình có người thân mất mát trong đại dịch Covid-19- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đã chỉ rõ những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm, những tồn tại hạn chế trong đó nhấn mạnh, công tác phòng, chống dịch luôn đặt dưới sự lãnh đạo kịp thời của BCHTW, Bộ Chính trị, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành của Chủ tịch nước, Quốc hội, sự phối hợp của MTTQ VN; sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thống nhất của cả hệ thống chính trị; sự đồng hành, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Đối với cách tiếp cận và những giải pháp toàn cầu; đối với những vấn đề toàn dân phải có những giải pháp toàn dân. Luôn đặt lợi ích của Nhân dân, tính mạng và sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; coi trọng dân, chăm lo cho dân, vận động nhân dân; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.

thanh cong trong cuoc chien chong dich covid-19 khang dinh tinh than nguoi viet hinh anh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình

Luôn chủ động phòng, chống dịch từ sớm, từ xa, từ ngay cơ sở; bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học để có biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả; sẵn sàng và có phương án, kịch bản khoa học bảo đảm ứng phó hiệu quả với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Luôn quan tâm bảo đảm an sinh, an ninh, an toàn xã hội và đời sống người dân trong mọi tình huống dịch bệnh; đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế.

Lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt và nhất quán từ Trung ương đến địa phương; điều hành quyết liệt với các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp, sát thực tiễn, đồng thời chú trọng đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, các địa phương gắn với đặc thù ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các địa phương liên quan theo tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt"; huy động cả hệ thống chính trị và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động các nguồn lực trong, ngoài nước, nguồn lực của nhân dân và doanh nghiệp tham gia công tác phòng, chống dịch.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tháo gỡ các khó khăn vướng mắc còn tồn tại trong công tác phòng, chống dịch trong đó tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế… trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp. 

Bộ Y tế tập trung rà soát, đánh giá và sớm hoàn thành các quy định, cơ chế về y tế cơ sở, y tế dự phòng, mua sắm, đấu thầu thuốc, vaccine, thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất. Đồng thời, hướng dẫn và tổ chức triển khai Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 giai đoạn 2023-2025, lưu ý việc chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra và dịch Covid-19 có thể quay lại.

Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao năng lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân và phòng, chống dịch hiệu quả. Nghiên cứu, đề xuất, thiết lập cơ chế, tổ chức phòng, chống đại dịch tại các tuyến, đảm bảo việc huy động, quản lý, điều phối, sử dụng tối đa nguồn lực; xây dựng Kế hoạch quốc gia ứng phó với đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai.

Đổi mới chính sách và phương thức đào tạo nhân lực y tế, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch; bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là cán bộ Trạm Y tế xã, y tế thôn bản và cán bộ y tế tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số.

Nghiên cứu và triển khai thực hiện các chính sách bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc; khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng.

thanh cong trong cuoc chien chong dich covid-19 khang dinh tinh than nguoi viet hinh anh 4

Toàn cảnh cuộc họp.

Thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược trong nước, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế, y học cổ truyền trong nước để chủ động trong công tác phòng, chống dịch và phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông quản lý và sử dụng dữ liệu y tế hỗ trợ việc phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh nói riêng và quản lý nhà nước về y tế nói chung.

Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh có thể còn kéo dài, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với những người chịu hậu quả, tác động của đại dịch, đặc biệt là trẻ em mồ côi; Tiếp tục hoàn thành xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua và xử lý các chính sách theo thẩm quyền khi chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; Đẩy mạnh tổ chức thực hiện và sớm hoàn thành việc tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; Tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Thay mặt Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng gửi lời cám ơn đến các các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương và các tổ chức quốc tế trong thời gian chống dịch vừa qua.

Theo Vũ Khuyên/VOV - 29/10/2023

https://vov.vn/chinh-tri/thanh-cong-trong-cuoc-chien-chong-dich-covid-19-khang-dinh-tinh-than-nguoi-viet-post1055702.vov