Trong tuần làm việc thứ 2, Quốc hội cũng thảo luận một số dự án luật quan trọng. Các Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có thêm những đột phá trách nhiệm để vượt qua khó khăn, tạo nên đột phá tăng trưởng là giải pháp quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên.
Tuần làm việc thứ 2 của Quốc hội sôi nổi với các phiên thảo luận về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2023, năm 2024; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tê, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước...
Ngày đầu tiên của tuần làm việc thứ 2, Quốc hội tập trung thảo luận về báo cáo giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong giai đoạn tổ chức thực hiện. Với tổng kinh phí tối thiểu của cả ba Chương trình là hơn 400 nghìn tỷ đồng, kết quả bước đầu đạt được mục tiêu, chỉ tiêu do Quốc hội, Chính phủ giao.
Bộ trưởng Bộ lao động,thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung
Tuy vậy, điểm chung của ba chương trình này là kết quả thiếu bền vững. Bốn tồn tại được Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung chỉ ra: "Có quá nhiều văn bản, bình quân một chương trình phải có khoảng 60 đến 70 văn bản khác nhau. Việc phân cấp phân quyền chưa rõ. Dưới chờ trên, trên bảo dưới cứ làm đi nhưng dưới sợ nên dẫn đến hiện tượng các thông tư của bộ hướng dẫn nhưng cấp dưới đề nghị tiếp là hướng dẫn của hướng dẫn. Về chương trình phân bổ các dự án nhỏ lẻ, manh mún, dàn trải quá nhiều. Riêng chương trình giảm nghèo có trên 1.000 các dự án nhỏ khác nhau. Mục tiêu của chúng ta đặt ra cao, vốn ít, trong khi đó yêu cầu địa phương đối ứng vốn lại càng khó khăn hơn".
Với những tồn tại đó, mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều bền vững vẫn còn xa. Vẫn còn nhiều xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vì muốn được hưởng các chính sách của xã nghèo. Vô hình chung, tự thân các chính sách làm giảm hiệu quả thực hiện của nhau. Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Đặng Bích Ngọc, đoàn Hòa Bình xuất giải pháp: "Có những xã đi suốt chặng đường không bao giờ đạt được nông thôn mới. Có thể ở những nơi địa bàn quá đặc biệt có thể có cơ chế đặc thù để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững và nguồn lực phát huy hiệu quả, tránh lãng phí".
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Công Long, đoàn Đồng Nai cho rằng: "Một câu hỏi luôn được các cấp chính quyền đặt ra là các mục tiêu đặt ra như vậy thì tại sao không thiết kế và cùng một chương trình để đảm bảo tính tổng thể và cách tiến hành khoa học hơn. Rõ ràng rằng chúng ta có trách nhiệm trong việc xây dựng, hoạch định thực hiện các chương trình".
Việc thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia chính là lát cắt của bức tranh kinh tế xã hội chung của cả nước. Trong hai ngày, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội. Một lần nữa, những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia lại xuất hiện trong các lĩnh vực khác.
Vượt lên những khó khăn, thách thức, với mức tăng trưởng 9 tháng năm 2023 đạt 4,25%, nền kinh tế nước ta nằm trong nhóm các quốc gia đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới… Lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, thu ngân sách Nhà nước đạt khá, bội chi nằm trong giới hạn yêu cầu. Đó là kết quả của sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Song băn khoăn chung của nhiều đại biểu là nhiều kết quả, chỉ tiêu đã đạt được nhưng chưa bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Làm rõ thêm những băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phơc cho biết: "Chẳng hạn như gói 14.000 tỷ để cho các trạm y tế của phường, xã khi đến nay chưa giao vốn, kể cả sân bay Long Thành là Công trình trọng điểm quốc gia cũng chưa giao được vốn. Luật Đầu tư công tôi nghĩ sắp tới phải sửa. Trong bố trí chi, bố trí đủ để nâng lương cơ sở từ 1/7 và thực hiện nghị quyết 27 của trung ương. Chương trình mục tiêu quốc gia phải cải cách phân bổ, chi đầu tư chỉ cho công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại đưa vào chi thường xuyên hết, giao cho tỉnh làm. Các bộ ngành đi kiểm tra. Cần giảm chi đầu tư, không để lãng phí, thất thoát, còn chi thường xuyên, có Bộ ngành chi lương đã chiếm 66%, việc tiếp khách, đi công tác đã giảm hơn trước đây, chủ yếu chi cho lương và phụ cấp lương là chính".
Phân cấp, phân quyền mạnh hơn để địa phương chủ động hơn trong giải quyết công việc cũng là ý kiến được nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên. Tuy nhiên, dù được phân cấp, phân quyền, thực tế, địa phương, cơ sở vẫn lúng túng, cán bộ vẫn sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám thực thi vì thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể.
Những vướng mắc về thể chế được Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long nhận định: "Môt dự án luật chúng ta đi từ xây dựng chính sách lập đề nghị cho đến lúc thông qua tầm 2 năm. Chúng tôi tiếp tục đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tăng cường vai trò Hiến định của mình là giải thích các quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Đối với những kiến nghị khác của các đại biểu Quốc hội liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực, chúng tôi xin tiếp tục được tiếp thu để tham mưu cho Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình".
Cùng với việc thảo luận về kinh tế, xã hội, lần đầu tiên, Quốc hội thảo luận kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101 của Quốc hội. Thể chế cũng là do con người tạo nên. Để bù đắp cho sự chưa hoàn thiện của thể chế, cho sự chưa hoàn thiện về năng lực thực thi, cần có đột phá trách nhiệm được xây nên từ nền tảng văn hóa trách nhiệm. Trên nền tảng văn hóa đó, nhiều hiện tượng xã hội tiêu cực đang phát sinh cũng sẽ được giải quyết.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên)
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn Phú Yên cho rằng: "Văn hóa là nguồn lực phát triển, là nguồn lực nội sinh phát triển. Trọng tâm phát triển văn hóa là phát triển con người, tránh chuyện tư duy văn hóa chỉ là giải trí mà nó là con người, trước hết là phải phát triển văn hóa công vụ, đạo đức công vụ. Không ít cán bộ hiện nay đang cố gắng làm những quy định cũ kỹ trở nên cũ kỹ hơn nhằm những mục đích cá nhân".
Trong tuần, điểm nhấn về công tác lập pháp là Quốc hội thảo luận dự thảo luật đất đai sửa đổi. Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh giá đất, các trường hợp thu hồi đất, và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Đất đai là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, không chỉ vậy, còn có ý nghĩa quốc phòng, an ninh. Vì vậy, theo nhiều đại biểu cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo, khách quan trước khi ban hành. Đại biểu Hoàng Anh Công, đoàn Thái Nguyên nêu quan điểm: "Phải làm sao dự thảo luật có phương án tốt nhất để phát huy nguồn lực đất đai thành nguồn lực cơ bản của đất nước. 70% khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất, bồi thường tái định cư, vì thế chúng ta cần giải quyết để tạo sự ổn định phát triển kinh tế, để người dân tin tưởng, chính sách đất đai là vì dân chứ không phải vì một nhóm lợi ích nào?".
Sự đột phá về trách nhiệm trong từng con người, đặc biệt là người đứng đầu trong mọi lĩnh vực chính là chìa khóa để biến những thách thức, khó khăn thành cơ hội, biến cơ hội nhỏ thành lớn hơn, từ đó tạo tăng trưởng để đất nước đi lên.
Bắt đầu từ thứ hai, 6/11, Quốc hội dành 2 ngày rưỡi để chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện 10 nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa 14 và khóa 15 về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Theo Vân Hồng/VOV1 - 05/11/2023
https://vov.vn/chinh-tri/nhin-lai-tuan-2-quoc-hoi-dot-pha-trach-nhiem-tao-nen-dot-pha-tang-truong-post1057253.vov