Cập nhật: 01/12/2023 08:32:00
Xem cỡ chữ

Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi bị ho gà với dấu hiệu có cơn ho nhiều về đêm, cơ ho kéo dài, tím tái mặt. Nếu không kịp thời điều trị, ho gà ở trẻ em có thể gây những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng, viêm não…

Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho.

Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1 - 2 tuần, kéo dài 1 - 2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

photo-1701320032272

Cách phòng bệnh ho gà của trẻ là tiêm phòng vaccine. Ảnh minh họa

Dấu hiệu nhận biết ho gà

Biểu hiện lâm sàng của bệnh ho gà điển hình với những cơn ho dữ dội kéo dài, bệnh ho gà diễn biến qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Trẻ ho kéo dài từ 1-2 tuần với triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như chảy mũi, ho nhẹ (phần nhiều là ho về đêm). Ở giai đoạn này, để chẩn đoán phân biệt ho gà rất khó do triệu trứng của ho gà giống với những biểu hiện cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường.

Giai đoạn 2: Trẻ ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa. Sau cơn ho trẻ thường đỏ mặt hay tím tái người do ho nhiều không đủ dưỡng khí để thở, lâu dần gây suy hô hấp. Các cơn ho kéo dài khiến trẻ mệt, kiệt sức, biếng ăn dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.

Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn hồi phục, các cơn ho của trẻ ngắn lại, số cơn ho giảm.

Biến chứng ho gà

Viêm phổi nặng: là biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng.

Viêm não: là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ tử vong cao. Trẻ sốt rất cao, li bì, hôn mê, co giật.

Biến chứng cơ học: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi.

Biến chứng khác: Xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác.

Ho gà lây truyền bằng cách nào?

Ho gà lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh cao, nhất là đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trong nhà, trường học…

Cách chăm sóc trẻ bị ho gà tại nhà

Với những trẻ mắc ho gà thể nhẹ như số cơn ho ít, thời gian mỗi cơn ho ngắn, trẻ vẫn ăn uống bình thường, trong cơn ho không tím mặt… có thể chăm sóc tại nhà bằng cách:

  • Đảm bảo môi trường sống tránh chất kích thích như: khói thuốc lá, bụi, hóa chất.

  • Cho trẻ nghỉ ngơi, yên tĩnh, tránh kích thích.

  • Với trẻ bú mẹ tiếp tục cho bú mẹ bình thường. Với trẻ ăn dặm và trẻ lớn: cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, ăn ít một, chia làm nhiều bữa.

  • Vệ sinh thân thể, mũi miệng cho trẻ. Sau mỗi cơn ho vệ sinh sạch đờm ở miệng của trẻ, dùng khăn mềm lau sạch miệng bằng nước muối ấm. Có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 9‰. Với trẻ lớn vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối.

  • Cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ khác để tránh lây lan bệnh

  • Cho trẻ uống thuốc theo đơn của bác sĩ nếu có.

  • Ho ở trẻ khi nào cần nhập viện?

Trẻ bị ho gà khi nào cần đến viện ngay?

Trẻ bị ho gà cần phải đến viện khám ngay khi có các dấu hiệu sau:

  • Trẻ có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt, thời gian mỗi cơn ho kéo dài

  • Ăn kém, nôn trớ nhiều

  • Ngủ ít

  • Thở nhanh/ khó thở

Cách phòng bệnh ho gà ở trẻ

Tiêm phòng: Tiêm vaccine phòng bệnh ho gà cho trẻ là biện pháp đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất lên tới 90. Vaccine được tiêm cho trẻ nhỏ trong tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế xã, phường. Những trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, tiêm chủng muộn cần tiêm chủng càng sớm càng tốt.

Cách ly người bệnh: Cho trẻ tránh xa những người có dấu hiệu bị ho gà. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cũng không nên cho tiếp xúc với trẻ nhỏ, nhất là những trẻ chưa được tiêm phòng.

Nếu trong gia đình có người bị ho gà thì cần phải điều trị dứt điểm, các thành viên khác cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần người bệnh và có hướng điều trị, kiểm tra cho cả gia đình xem có bị lây truyền bệnh không vì bệnh rất dễ lây lan qua đường không khí.

Bệnh nhân ho gà là trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi, có địa chỉ tại huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Bệnh nhân có biểu hiện ho nhiều về đêm, bú kém, cơn ho kéo dài khoảng 10 phút, có cơn tím tái mặt và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng thở oxy mask 5 lít/phút, SpO2 89% (không thở oxy), họng đỏ, mũi nề. Bệnh nhân được xét nghiệm PCR ho gà cho kết quả dương tính.

Theo suckhoedoisong.vn - 30/11/2023

https://suckhoedoisong.vn/bieu-hien-ho-ga-o-tre-em-dau-hieu-nguy-hiem-can-dua-tre-den-vien-ngay-169231130120546101.htm