Cập nhật: 03/12/2023 09:26:00
Xem cỡ chữ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Còn Đảng ta, trong các Nghị quyết chuyên đề về văn hóa đều nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.

Trên cơ sở nhận thức rõ vai trò của văn hóa, con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 15 ngày 12/12/2022 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững;ác định mục tiêu phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, hướng tới chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Mục tiêu cốt lõi là vì người dân, Nghị quyết đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp xây dựng con người Vĩnh Phúc phát triển toàn diện với các đặc điểm nổi trội: Tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới; từng bước xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Vĩnh Phúc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; nâng cao tầm vóc, thể lực con người Vĩnh Phúc. 

Tỉnh Vĩnh Phúc xác định xây dựng và phát triển văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, lấy Nhân dân là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, lấy đội ngũ trí thức giữ vai trò trọng tâm, vì vậy, Nghị quyết 15 đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể như từ năm 2025 - 2030: Tỷ lệ gia đình, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa trên 92 - 95%; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa trên 93 - 95%; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị trên 50 - 55%.

Đến năm 2025: 100% các khu dân cư có và thực hiện tốt hương ước, quy ước nếp sống văn minh phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tuân thủ quy định của pháp luật. 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng và thực hiện tốt quy định văn hóa công sở; 80 - 90% thư viện công lập trên địa bàn tỉnh hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông với hệ thống thư viện trên toàn quốc; 100% thanh, thiếu nhi trong các trường học phổ thông được giáo dục về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống Vĩnh Phúc, giáo dục thể chất, kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử; số người tập luyện thể thao thường xuyên đạt trên 57% và số gia đình tập luyện thể thao đạt trên 50%.

Bên cạnh xây dựng môi trường, nếp sống văn hóa, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc; đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong Đảng, cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị tỉnh chú trọng yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế, đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; chủ động giao lưu, hợp tác quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; từng bước xây dựng ngành công nghiệp văn hóa phát triển; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho văn hóa. 

Tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc và nhân dân trong tỉnh. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa được các ngành, địa phương cụ thể hóa bằng các hoạt động bảo tồn và phát huy tốt giá trị các di tích lịch sử, đa dạng hóa loại hình du lịch văn hóa gắn với giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Kế thừa và phát huy văn hóa địa phương đi đôi với xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, các hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nêu cao vai trò, trách nhiệm trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Chú trọng xây dựng gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng và tạo sức lan tỏa trong xã hội; tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Công tác xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa được đẩy mạnh, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng con người, nhất là thế hệ trẻ phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, thể chất, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật…

Với phương châm “Không thể có tỉnh phát triển nếu văn hóa chưa phát triển, không thể là tỉnh đáng sống nếu thiếu cư dân văn minh, văn hóa”, Vĩnh Phúc lấy việc phát triển kinh tế xã hội gắn liền với xây dựng một nền văn hóa bền vững làm kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển. Chỉ sau 1 năm thực hiện, các chỉ tiêu của từng giai đoạn đã được thực hiện hiệu quả, đặc biệt năm 2023, Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đến nay, đã có 28/28 Khu thiết chế văn hóa thể thao thuộc các Làng văn hóa kiểu mẫu đã tổ chức khánh thành các hạng mục công trình, cùng với các tiêu chí kiến trúc, hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế…đã đem lại sự khởi sắc mới cho người dân.

Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là bước đi quan trọng để Vĩnh Phúc triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước ngày một văn minh, giàu đẹp.

Bích Hằng