Hệ thống xử lý nước thải trong các khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường và thu hút đầu tư. Xác định rõ tầm quan trọng của việc xử lý nước thải trong các khu công nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến nội dung này, đảm bảo các khu công nghiệp khi đi vào hoạt động, nước thải sẽ được đúng cách, hiệu quả cao, an toàn với môi trường, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững.
Trên địa bàn Vĩnh Phúc hiện có 19 Khu công nghiệp được phê duyệt chủ trương đầu tư và thành lập, trong đó, có 8 Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Tất cả các khu công nghiệp khi đi vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc đã tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động ở các khu công nghiệp để truyền các dữ liệu quan trắc tự động về Sở tương đối ổn định và chính xác. Qua đó, giúp tỉnh dễ dàng quản lý và có những chỉ đạo cụ thể, kịp thời đối với các nhà đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động liên quan đến công tác môi trường.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hiện tổng lượng nước thải tại các Khu công nghiệp trên địa bàn đạt trên 18.000 m3/ngày/đêm. Công tác quản lý nhà nước về môi trường tại các Khu công nghiệp luôn được các ngành chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng triển khai. Nhà đầu tư các Khu công nghiệp khi xây dựng hạ tầng cũng xác định hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt chuẩn là một trong những hạng mục không thể thiếu.
Toàn bộ nước thải của các nhà máy trong Khu công nghiệp sau khi xử lý sơ bộ sẽ tiếp tục thu hồi về Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Bá Thiện II, huyện Bình Xuyên để tiếp tục xử lý. Để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường nước, Công ty Cổ phần Vina CPK - đơn vị đầu tư và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp đã sớm xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung hiện đại, gồm 2 modul với tổng công suất 5.000m3/ngày.
Theo kết quả quan trắc, các thông số môi trường sau hệ thống xử lý nước thải luôn nằm trong giới hạn cho phép cột A. Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên cử các phòng chuyên môn phối hợp với nhà đầu tư theo dõi, đánh giá chất lượng nguồn nước sau khi xử lý, đảm bảo nguồn nước khi thải ra môi trường đảm bảo đạt chuẩn kỹ thuật môi trường của Việt Nam.
Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên được hình thành từ năm 2003, là một trong những nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện Khu công nghiệp Khai Quang có nhà máy xử lý nước thải tập trung với 3 modul, tổng công suất 11.000m3/ngày đêm. Trong Khu công nghiệp có các loại hình sản xuất chủ yếu là thiết bị cơ khí chính xác, điện tử, điện lạnh, thiết bị, phụ tùng ô tô, xe máy, sản xuất khuôn mẫu cho các sản phẩm kim loại và phi kim loại, may mặc, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Bởi vậy, các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp có sử dụng hóa chất trên địa bàn thực hiện tốt quy định của Luật Hóa chất; khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn. Đồng thời, giám sát chặt chẽ công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải đối với các doanh nghiệp trong doanh nghiệp thông qua các hoạt động kiểm tra định kỳ, lấy mẫu đột xuất, quan trắc môi trường định kỳ theo mạng lưới quan trắc hiện trạng môi trường do UBND tỉnh phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo: “Không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường”, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nâng cao vai trò trách nhiệm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ bảo vệ môi trường an toàn và phát triển bền vững.
Lỗ Hiếu