Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2023/NĐ-CP quy định về khung tiêu chuẩn và thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn, tổ dân phố văn hóa", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu."
Gia đình có thành viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế không được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa.
Đây là một trong những nội dung của Nghị định 86/2023/NĐ-CP quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa," "Thôn, tổ dân phố văn hóa," "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu," vừa được Chính phủ ban hành.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 30/1/2024 cũng nêu rõ không xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa với gia đình có thành viên bị xử phạt vi phạm hành chính về: Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn; vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; Hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về: Vi phạm quy định về trật tự công cộng; hành vi đánh bạc trái phép; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phòng, chống bạo lực gia đình.
Nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, sáng 28/6/2023, tại phường Bình Thuận, thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm gia đình Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Hoàng (sinh năm 1924) là Gia đình văn hóa tiêu biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Về khung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Nghị định 86/2023/NĐ-CP nêu rõ, để được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa thì gia đình phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau:
Thứ nhất, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước: Các thành viên trong gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật; Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo quy định; Bảo đảm thực hiện an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy; Bảo đảm các quy định về độ ồn, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng theo quy định của pháp luật về môi trường.
Thứ hai, tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương: Tham gia các hoạt động nhằm bảo vệ di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên và môi trường của địa phương; tham gia các phong trào từ thiện, nhân đạo; đền ơn đáp nghĩa; khuyến học khuyến tài và xây dựng gia đình học tập; tham gia sinh hoạt cộng đồng ở nơi cư trú; Tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội do địa phương tổ chức; người trong độ tuổi có khả năng lao động tích cực làm việc và có thu nhập chính đáng; Trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường.
Thứ ba, gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng: Thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Thực hiện tốt chính sách dân số, hôn nhân và gia đình; Thực hiện tốt các mục tiêu về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình/bạo lực trên cơ sở giới; Hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước/các loại hình tương tự hợp vệ sinh; Tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn.
Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa và đời sống kinh tế-xã hội địa phương. Công tác bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định, với tỷ lệ gia đình văn hóa tăng qua từng năm.
Khen thưởng các gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 122/2018 của Chính phủ, cả nước có hơn 20 triệu trong tổng số hơn 23 triệu gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" (đạt tỷ lệ trên 89%); gần 67.500/87.126 khu dân cư đạt danh hiệu "Thôn văn hóa," "Làng văn hóa," "Ấp văn hóa," "Bản văn hóa," "Tổ dân phố văn hóa" (tỷ lệ trên 77%).
Các gia đình văn hóa tiêu biểu đã trở thành những tấm gương sáng ở cộng đồng dân cư trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời, trở thành những nhân tố tích cực, quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Xây dựng gia đình văn hóa thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người; đồng thời, phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đây cũng chính là mục tiêu hướng đến trong xây dựng gia đình văn hóa và là nền tảng hình thành con người văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước.
Chiến lược Phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Theo (Vietnam+) - 12/12/2023
https://www.vietnamplus.vn/ap-dung-khung-tieu-chuan-moi-xet-tang-gia-dinh-van-hoa-tu-ngay-3012024-post915154.vnp