Viêm mũi xoang là bệnh thường gặp ở trẻ, bệnh sẽ gây đau nhức, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Ngoài ra, nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh sẽ dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân chính gây ra viêm mũi xoang ở trẻ là do virus, vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào vùng mũi và hầu họng của trẻ, sau đó lên phía xoang gây viêm xoang. Đặc biệt, viêm mũi xoang sẽ dễ xảy ra ở trẻ có cơ địa yếu, cơ địa dị ứng, đang bị viêm VA, cha mẹ bị mắc AIDS khi mang thai trẻ… hoặc sống trong môi trường độc hại, nhiều khói bụi, người lớn hút thuốc lá nhiều khiến trẻ bị ngửi khói thuốc lá thụ động.
Biểu hiện viêm mũi xoang ở trẻ
Đối với trẻ khi bị viêm mũi xoang thường không có biểu hiện đặc trưng, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý viêm tai mũi họng thông thường.
Các biểu hiện thường gặp là trẻ bị sốt kéo dài sau một đợt viêm đường hô hấp, viêm họng mãi không hết. Tình trạng trẻ viêm mũi xoang sẽ có biểu hiện chảy nhiều nước mũi màu xanh ra khỏi mũi và chảy xuống họng dưới gây ho, đau họng, làm cho trẻ khó chịu.
Ngoài ra, trẻ có biểu hiện đau đầu, ngủ không ngon giấc, có thể bị phù nề quanh mắt…
Khi trẻ bị viêm mũi xoang, nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời thì sẽ biến chứng thành nhiều bệnh nguy hiểm như: Viêm họng mạn tính, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn, thậm chí còn gây suy giảm thính lực, thị lực, viêm màng não…
Biện pháp điều trị và hỗ trợ viêm mũi xoang ở trẻ
Việc điều trị viêm mũi xoang ở trẻ phụ thuộc vào yếu tố tuổi và tình trạng bệnh.
Trẻ có thể sẽ được các bác sĩ chỉ định thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, thuốc chống nghẹt mũi... tùy từng trẻ mà các bác sĩ sẽ kê đơn cho phù hợp. Vì vậy, cha mẹ cần tuân thủ theo chỉ định và phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý chữa.
Trong một số trường hợp khi bệnh nhân được điều trị bằng thuốc không khỏi hoặc không thể sử dụng liệu pháp miễn dịch, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật mở xoang hàm, xoang bướm.
Ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần sử dụng các biện pháp hỗ trợ khắc phục viêm mũi xoang ở trẻ.
Viêm mũi xoang là bệnh thường gặp ở trẻ. Ảnh minh hoạ.
Một số biện pháp hỗ trợ chữa viêm mũi xoang ở trẻ hiệu quả
- Vệ sinh cho mũi cho trẻ
Khi trẻ viêm mũi xoang, việc vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ vô cùng quan trọng. Cha mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh cho trẻ, điều này sẽ giúp làm giảm viêm, sưng ở niêm mạc mũi, đào thải chất dịch nhầy trong mũi khiến mũi dễ chịu và hỗ trợ việc đưa thuốc vào bên trong mũi dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc này còn giúp bổ sung độ ẩm cho mũi, giảm cảm giác khô rát mũi.
Biện pháp này hiệu quả ngay cả việc điều trị các chứng bệnh khác như: Viêm mũi dị ứng, cảm cúm… và khá dễ thực hiện tại nhà.
- Tăng cường uống nhiều nước
Khi trẻ mắc viêm mũi xoang thì sẽ bị ngạt mũi, điều này khiến trẻ phải thở bằng miệng, dẫn đến tình trạng khô họng. Vì vậy, việc tăng cường cho trẻ uống nước sẽ giúp cơ thể không bị thiếu nước, giúp niêm mạc họng, xoang không bị khô, phần chất nhầy trong mũi sẽ dễ được đưa ra từ mũi hơn. Không phải nước nào cũng được khuyến cáo uống. Chỉ có nước lọc và các loại nước ép, nước không có cafein là được chỉ định uống khi trẻ bị viêm xoang. Đối với cà phê sẽ khiến trẻ bị mất nước thêm, làm nghiêm trọng hơn tình hình viêm xoang.
- Cần nâng đầu cao khi ngủ
Viêm nhiễm vùng mũi xoang khiến trẻ khó ngủ vì tắc mũi, vì vậy ở giai đoạn này cha mẹ cần cho trẻ gối đầu cao khi ngủ. Để trẻ duy trì tư thế nằm ngủ đầu cao hơn tim. Điều này sẽ giảm lưu lượng máu tích tụ trong mũi, sẽ giảm tắc nghẽn mũi, giúp trẻ ngủ ngon hơn.
- Hít thở bằng thảo dược gừng, sả, tỏi, chanh
Khi mắc viêm xoang mũi sẽ khiến trẻ khó thở bởi ngạt mũi, vì vậy cha mẹ có thể lấy một trong các loại thảo dược như: gừng, sả, tỏi, chanh… rửa sạch, thái lát cho vào cốc, đổ nước đun sôi để cho trẻ ngửi, hay còn gọi là xông mũi họng. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ hít từ từ bằng mũi và thở ra bằng miệng trong vòng từ 10 – 15 phút, cần chú ý giám sát trẻ để tránh bị bỏng.
Theo Y học cổ truyền, các thảo dược gừng, sả, tỏi, chanh... đều có tính ấm, có tác dụng tiêu viêm, sát trùng, vì vậy việc sử dụng hít thở sẽ có tác dụng tăng miễn dịch, giảm viêm, chống lại vi khuẩn, virus, hỗ trợ tốt cho việc điều trị viêm xoang.
- Chườm nóng
Viêm mũi xoang ở trẻ thường gây đau nhức. Để hạn chế tình trạng này, phụ huynh dùng khăn bông nhúng nước ấm rồi vắt khô, sau đó chườm lên khu vực mũi của trẻ. Việc này sẽ làm giảm đáng kể tình trạng đau nhức, cũng như hỗ trợ việc đẩy các dịch nhầy ra khỏi mũi.
Tóm lại: Viêm mũi xoang là vấn đề khiến trẻ nhỏ mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để kịp thời chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, tránh trường hợp để xảy ra những điều đáng tiếc đối với trẻ.
Theo suckhoedoisong.vn - 13/12/2023
https://suckhoedoisong.vn/5-bien-phap-ho-tro-chua-viem-mui-xoang-o-trehieu-qua-169231213135155179.htm