Tự kỷ là sự rút lui cực đoan của một số trẻ em từ lúc mới bắt đầu cuộc sống. Sự can thiệp sớm giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng.
Triệu chứng đặc biệt của bệnh là những trẻ này không có khả năng trong việc thiết lập các mối quan hệ bình thường với những người khác và hành động một cách bình thường với các tình huống từ lúc chúng bắt đầu cuộc sống.
Tự kỉ là sự rút lui cực đoan của một số trẻ em từ lúc mới bắt đầu cuộc sống. Ảnh minh họa
Hiểu đúng về rối loạn phổ tự kỷ
Hiện nay, có khá nhiều khái niệm về rối loạn phổ tự kỷ nhưng khái niệm tương đối đầy đủ và được sử dụng phổ biến nhất là khái niệm của Liên Hiệp Quốc đưa ra năm 2008: "Rối loạn phổ tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển tồn tại suốt đời, thường được thể hiện ra ngoài trong ba năm đầu đời. Rối loạn phổ tự kỷ là do một rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của não bộ gây nên, ảnh hưởng đến trẻ em và người lớn ở nhiều quốc gia không phân biệt giới tính, chủng tộc hoặc điều kiện kinh tế xã hội.
Các khái niệm có khác nhau nhưng đều thống nhất ở các nội dung cốt lõi của khái niệm rối loạn phổ tự kỷ: Rối loạn phổ tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển, được đặc trưng bởi hai khiếm khuyết chính về giao tiếp xã hội và có hành vi, sở thích định hình lặp lại. Mặc dù, rối loạn phổ tự kỷ có những đặc điểm chung, nhưng phạm vi, mức độ nặng, khởi phát và tiến triển của các triệu chứng có khác nhau. Tùy theo nhu cầu cần hỗ trợ của trẻ, rối loạn phổ tự kỷ thường được chia làm ba mức độ chính như sau Mức độ cần sự hỗ trợ, mức độ cần nhiều sự hỗ trợ và mức độ cần rất nhiều sự hỗ trợ.
Mục đích của việc can thiệp sớm
Can thiệp sớm là sự hướng dẫn sớm (mang tính giáo dục) cho trẻ và gia đình trẻ. Nếu can thiệp sớm trong 5 năm đầu có thể làm tăng chất lượng cuộc sống cho trẻ và gia đình trẻ. Đây chính là sự chuẩn bị quan trọng cho việc học và tiếp tục học lên lớp mẫu giáo sau này của trẻ, đồng thời can thiệp sớm cũng chuẩn bị tiền đề để trẻ có thể học hội nhập tại các trường phổ thông.
Ngoài ra, can thiếp sớm nhằm phát triển tối đa tiềm năng học ở trẻ, phát triển sự khoẻ mạnh trong cuộc sống hàng ngày của trẻ; giúp trẻ sống độc lập và có một cuộc sống càng bình thường càng tốt và để trẻ có thể trở thành một thành viên của cộng đồng.
Can thiệp sớm trải qua 5 giao đoạn:
- Giai đoạn 1: Thắc mắc
- Giai đoạn 2: Đánh giá
- Giai đoạn 3: Lập kế hoạch
- Giai đoạn 4: Can thiệp
- Giai đoạn 5: Đánh giá lại
Các hình thức can thiệp
- Trị liệu cá nhân: Trị liệu Tâm lý, trị liệu ngôn ngữ - giao tiếp phi ngôn ngữ (bằng cử chỉ) hoặc bằng ngôn ngữ nếu có thể, trị liệu hành vi, trị liệu nước, điều chỉnh các giác quan, mỹ thuật, nhận biết thế giới xung quanh trẻ.…
- Trị liệu nhóm: Âm nhạc, tâm kịch, dã ngoại .... tạo tương tác và giao tiếp xã hội….
- Giáo dục đặc biệt: Các kỹ năng tự lập, phát triển chức năng, các kỹ năng tiền văn hoá và văn hoá, các kỹ năng tiền hướng nghiệp.
Đảm bảo được tính phù hợp với tuổi đời và tuổi khôn của trẻ em rối loạn phổ tự kỷ. Ảnh minh họa
Lợi ích của can thiệp sớm giúp trẻ hòa nhập cộng đồng
Đối với cha mẹ trẻ khuyết tật: Can thiệp sớm khiến cha mẹ bị lôi cuốn một cách tích cực vào quá trình can thiệp, nhờ đó họ phát hiện được khả năng và tiềm năng của bản thân. Cha mẹ có thể chăm sóc trẻ hàng ngày, duy trì tư thế đúng, bế ẵm, tập luyện… Điều này khiến họ đương đầu với các vấn đề cảm xúc, giúp họ dễ chấp nhận khuyết tật của trẻ, có kỹ năng xử trí, tăng cường tương tác trẻ - cha mẹ… Thêm vào đó can thiệp sớm khiến cha mẹ tiếp cận thông tin tốt hơn về: chẩn đoán, nguyên nhân khuyết tật, hiểu biết về sự phát triển bình thường của trẻ, hệ thống cung cấp dịch vụ hiện có và làm thế nào để kích thích sự phát triển đang bị chậm hoặc rối loạn của trẻ.
Đối với gia đình: Can thiệp sớm giúp anh chị em ruột có thái độ, hành vi đúng mực với các vấn đề của trẻ. Cả đại gia đình sẽ tham gia mạng lưới và hệ thống, cùng phối hợp đối phó với các khó khăn của trẻ đồng thời làm nhẹ gánh nặng cho gia đình thông qua các hoạt động trợ giúp gia đình, chăm sóc trẻ và các phương tiện khác .
Đối với xã hội: Can thiệp sớm giúp xã hội nhận thức được thực tế có nhiều trẻ có vấn đề về phát triển trong cộng đồng và quyền được hỗ trợ của chúng. Can thiệp sớm cũng làm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ, và do vậy sẽ làm giảm các chi phí xã hội do tội phạm, thất nghiệp, hoặc trợ cấp xã hội.
Vận dụng các phương pháp can thiệp nào?
Thực tế, việc lựa chọn phương pháp can thiệp nào phụ thuộc nhiều vào vốn kinh nghiệm làm việc với trẻ của chuyên gia trị liệu hay giáo viên. Cha mẹ nên tham khảo ý kiến chuyên gia khi lựa chọn các phương pháp can thiệp cho con. Chọn đúng cách can thiệp cho con không hề dễ.
Phương pháp can thiệp có kiểm chứng là những phương pháp đã qua nghiên cứu nghiêm túc và có bằng chứng đồng nhất và liên tục cho thấy trẻ có thêm kỹ năng nhờ được can thiệp mang lại khả năng thành công cho trẻ cao hơn so với những phương pháp chưa được kiểm chứng.
Phương pháp chưa được kiểm chứng có thể làm tăng thời gian can thiệp do đó phải thử xem phương pháp đó có hiệu quả với trẻ hay không. Giảm chi phí của phụ huynh phải bỏ ra cho việc can thiệp của con mình. Sẽ giảm thiểu những rủi ro về sức khỏe cho trẻ, bởi những phương pháp được kiểm chứng luôn cho phụ huynh lời khuyên về những điểm mạnh, điểm yếu khi sử dụng, có thể nguy hại đến sức khỏe hay không. Giúp cha mẹ tránh bị đối tượng xấu lợi dụng những lúc khó khăn của họ và trẻ để trục lợi, những lời hứa hẹn về tính hiệu quả hoặc sự tiến bộ nếu trẻ tham gia vào các phương pháp can thiệp không được kiểm chứng.
Tiêu chí để quyết định lựa chọn phương pháp can thiệp
Phải có nghiên cứu và kết quả rõ ràng, được công bố một cách chính thức, được nhận định, biết đến của giới chuyên môn.
Phương pháp đó phải đáp ứng được nhu cầu và giá trị của cha mẹ, người chăm sóc và bản thân trẻ em rối loạn phổ tự kỷ.
Cho đến nay, hoạt động can thiệp sớm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt nói chung và những trẻ có rối loạn trong phát triển nói riêng đã được triển khai nhân rộng ở nhiều địa phương trong cả nước với nhiều mô hình và chỉ số khác nhau gồm:
Mô hình can thiệp sớm tại cộng đồng, tại nhà: Ưu điểm của mô hình này là can thiệp sớm được thực hiện trong môi trường quen thuộc bởi chính cha mẹ - những giáo viên đầu tiên của trẻ. Cha mẹ và người thân của trẻ tham gia vào quá trình can thiệp sớm một cách tự nhiên dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Can thiệp sớm theo mô hình này dễ được duy trì đồng thời tiết kiệm được kinh phí, sức lực và giảm thiểu những phiền toái khác cho trẻ và gia đình. Mô hình này rất phù hợp cho những gia đình ở xa trung tâm can thiệp sớm. Tuy nhiên can thiệp sớm tại nhà cũng có một số nhược điểm như: sự thiếu kiên định của phụ huynh trong việc thực hiện kế hoạch can thiệp sớm, sự thiếu cởi mở và chia sẻ của phụ huynh do mặc cảm tự đổ lỗi, thiếu niềm tin hay các vấn đề về phong tục, tập quán địa phương.
Mô hình can thiệp sớm tại trường mầm non hoà nhập: ở mô hình này, các dịch vụ can thiệp sớm sẽ được giáo viên và chuyên gia tiến hành ngay tại trường mầm non, nơi trẻ đang tham gia học hoà nhập.
Mô hình can thiệp sớm tại các Trung tâm/bệnh viện: mô hình này hiện đang được áp dụng khá rộng rãi và phổ biến ở các thành phố lớn. Theo mô hình này, dịch vụ được cung cấp cho trẻ, cho cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình tại Trung tâm Can thiệp sớm.
Không phải chương trình can thiệp nào cũng hiệu quả. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải phối hợp các tiêu chí của một chương trình thật tốt dựa trên nguồn lực hiện tại để lựa chọn tiêu chí cho mỗi chương trình triển khai tại Việt Nam trong tương lai, cộng đồng được cung cấp dịch vụ được xác định rõ ràng, và kết quả mong đợi cuối cùng của chương trình cần được thể hiện rõ từ đầu.
Mô hình can thiệp sớm Denver - ESDM
Mô hình can thiệp sớm Denver (ESDM) được phát triển bởi Geraldine Dawson và Sally Rogers - Nhà tâm lý học đến từ Đại học California. Đây là mô hình can thiệp sớm thực chứng cho trẻ tự kỷ dưới 3 tuổi. ESDM dựa trên cách tiếp cận trải nghiệm thông qua chơi kết hợp với hướng tiếp cận theo hành vi và phát triển.
Mô hình can thiệp sớm Denver (ESDM) là một hướng tiếp cận can thiệp sớm toàn diện cho trẻ nhỏ có rối loạn phổ tự kỷ 12 đến 36 tháng tuổi và tiếp nối cho đến giai đoạn 48 đến 60 tháng. Trên thực tế, phiên bản ban đầu của ESDM dành cho trẻ tự kỷ lứa tuổi mẫu giáo từ 24-60 tháng tuổi. Theo thời gian, mô hình ESDM đã được tinh chỉnh, thích nghi và mở rộng về độ tuổi. ESDM sử dụng nền tảng lý thuyết về cách phát triển điển hình của trẻ nhỏ để tạo điều kiện thuận lợi cho một lộ trình phát triển tương đương cho những trẻ sơ sinh có nghi ngờ tự kỷ.
Theo suckhoedoisong.vn - 21/12/2023
https://suckhoedoisong.vn/van-dung-cac-phuong-phap-can-thiep-nao-giup-tre-roi-loan-pho-tu-ky-som-hoa-nhap-169231218161034163.htm