Những tin tức “ảm đạm” từ Mỹ và châu Âu có thể khiến Ukraine rơi vào tình thế bấp bênh trong năm 2024.
Không thể xuyên thủng các tuyến phòng thủ kiên cố của Nga trên trục phía Nam trong cuộc phản công vào mùa hè là diễn biến gây thất vọng cho Ukraine, nhưng những tin tức trên mặt trận ngoại giao và chính trị còn đáng báo động hơn nhiều.
Nói về tiến trình phản công của Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay: “Chúng tôi muốn có kết quả nhanh hơn, nhưng thật đáng tiếc là không được như mong muốn”.
Ukraine đã đạt được một số thành công hạn chế trong năm 2023, với những kết quả ở Biển Đen vào mùa hè và việc thiết lập được vị trí ở bờ Đông sông Dnipro thuộc vùng Kherson vào mùa thu, nhưng việc không đạt được bước tiến đáng kể nào về lãnh thổ là thực tế khó chấp nhận đối với Kiev.
Trong năm 2023, các nước phương Tây đã dần dần phá bỏ “những điều cấm kỵ” liên quan đến việc cung cấp vũ khí hạng nặng và tên lửa tầm xa cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Các nhà phân tích quân sự cho rằng nếu phương Tây tiếp tục duy trì được sự ủng hộ giành cho Ukraine như vậy, chiều hướng của cuộc xung đột vẫn có thể diễn ra theo hướng có lợi cho Kiev.
Tuy nhiên, những diễn biến của mùa đông lại vẽ nên một bức tranh tồi tệ hơn nhiều. Với những rủi ro lớn ở phía trước, Kiev sẽ phải chuẩn bị ngay từ bây giờ cho một tương lai trong đó liên minh phương Tây ủng hộ Ukraine có thể sẽ tan rã.
Một số nước châu Âu chấm dứt viện trợ
Ở châu Âu, nhiều nước đã đảo ngược chính sách viện trợ cho Ukraine sau các cuộc bầu cử gần đây.
Đầu tháng 11, chính phủ của tân Thủ tướng Slovakia Fico đã chặn gói viện trợ thiết bị quân sự trị giá hơn 40 triệu USD mà chính phủ tiền nhiệm dành cho Ukraine. Ngay sau khi nhậm chức, ông Fico đã tuyên bố chấm dứt viện trợ vũ khí cho Ukraine và chỉ ủng hỗ các nỗ lực nhân đạo, tái thiết cho nước này. Ông cho rằng Slovakia còn nhiều vấn đề nội bộ cần tập trung hơn việc viện trợ cho Ukraine.
Đề xuất viện trợ thiết bị quân sự cho Ukraine được chính phủ của thủ tướng Slovakia Eduard Heger đưa ra trước khi chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm Fico hồi tháng 10.
Trong một tuyên bố trước quốc hội Hà Lan ngày 13/12, tân Thủ tướng Geert Wilders, lãnh đạo đảng Bảo Bảo thủ Tự do (PVV) đã tuyên bố, Hà Lan không nên gửi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine nếu điều đó khiến quân đội Hà Lan không thể bảo vệ đất nước mình.
Hà Lan là một trong những nhà tài trợ chính của Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga. Vào tháng 11, Amsterdam đã gửi 5 máy bay chiến đấu F-16 đến Trung tâm Huấn luyện F-16 của châu Âu ở Romania, nơi các phi công Ukraine đang được đào tạo để lái máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất. Hà Lan cho biết, họ có kế hoạch cung cấp 12 - 18 máy bay phản lực để đào tạo phi công cho Kiev như một phần viện trợ quân sự của mình.
Hôm 14/12, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để chặn gói viện trợ trị giá 50 tỷ Euro của Ủy ban châu Âu dành cho Ukraine. Nhà lãnh đạo Hungary cho biết, ông sẽ phủ quyết gói hỗ trợ này cho đến khi Budapest nhận được toàn bộ số tiền đang bị EU đóng băng.
Tin xấu từ Mỹ
Tin tức từ Mỹ còn ảm đạm hơn nhiều. Lầu Năm Góc cảnh báo, Washington sẽ cạn nguồn viện trợ cho Ukraine trước ngày 30/12.
Trong thư gửi Quốc hội Mỹ hôm 15/12, Giám đốc tài chính của Lầu Năm Góc Mike McCord cho biết Mỹ sẽ chỉ có thể cung cấp cho Ukraine thêm một gói viện trợ trước cuối năm nay nếu không được phê duyệt nguồn tài trợ mới. Theo đó, nguồn tài trợ sẽ cạn kiệt vào ngày 30/12 sau khi Mỹ hoàn tất việc chuyển 1,07 tỷ USD để bổ sung kho vũ khí gửi tới Ukraine.
Nhà Trắng cũng đưa ra cảnh báo tương tự. Theo đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói số tiền hỗ trợ cho Kiev sẽ cạn kiệt sau đợt viện trợ vũ khí vào cuối tháng này.
Trước đó, chính quyền ông Biden đã đề xuất gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine nhưng vấp phải sự phản đối từ đảng Cộng hòa tại Quốc hội. Đảng Cộng hòa muốn gói viện trợ đề xuất phải đi đôi với các biện pháp kiểm soát nhập cư cứng rắn hơn dọc biên giới Mỹ - Mexico.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ hôm 19/12 cho biết Washington sẽ không thể phê duyệt viện trợ mới cho Ukraine trước cuối năm nay.
Vấn đề vẫn chưa dừng lại ở đó.
Ukraine khó cầm cự nếu không có viện trợ
Chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Cựu Tổng thống Donald Trump hiện vẫn đang dẫn đầu trong cuộc đua trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024. Kịch bản ông Trump một lần nữa quay trở lại Nhà Trắng hoàn toàn có thể xảy ra cho dù ông đang phải đối mặt với với nhiều nguy cơ pháp lý.
Nếu tái đắc cử, ông Trump có thể thay đổi chính sách của Mỹ đối với Ukraine. Việc ông Trump từ chối cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo không chỉ ở Kiev mà còn trên khắp châu Âu, khu vực sẽ chịu tác động lớn từ sự thay đổi chính sách của Mỹ.
Một số nhà phân tích cho rằng, Nga nhận thức rất rõ về kịch bản này và chiến lược của Moscow trong ngắn hạn và trung hạn là chờ đợi cho đến khi có sự thay đổi lãnh đạo ở Mỹ. Khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, có khả năng rất lớn Mỹ cũng sẽ rút lại các viện trợ cam kết cho Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài phát biểu trên truyền hình hồi tháng 10 đã nói rằng, Ukraine sẽ chỉ tồn tại được “một tuần” nếu không có viện trợ quân sự và tài chính của phương Tây.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) – 21/12/2023
https://vov.vn/the-gioi/ukraine-doi-mat-voi-tinh-the-vo-cung-bap-benh-trong-nam-2024-post1066702.vov