Cập nhật: 03/01/2024 09:07:00
Xem cỡ chữ

Khép lại năm 2023 trong bối cảnh khó khăn chung, Vĩnh Phúc đã nỗ lực vượt qua thách thức, tạo bước phát triển trong năm 2024 với kịch bản dự kiến tăng trưởng GRDP từ 7,5-8,5% dựa trên những kết quả đã đạt được trong năm 2023 và dự báo về một số dự án FDI sẽ đi vào hoạt động. Đặc biệt là niềm tin, sự quyết tâm đồng lòng của toàn Đảng bộ, Nhân dân trong tỉnh, cùng với sự tập trung lãnh, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ thích ứng, linh hoạt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2023, Vĩnh Phúc xác định phát triển sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn là yếu tố quyết định để phục hồi tăng trưởng, bên cạnh đó các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khơi thông các điểm nghẽn được Trung ương và tỉnh quan tâm triển khai mạnh mẽ: Trung ương tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố chủ động, linh hoạt trong điều hành, phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch vào thực tiễn; Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Với sự quyết tâm cao độ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Vĩnh Phúc từng bước phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, cả năm tốc độ tăng GRDP của tỉnh tăng trên 2,37%.

Trước mức tăng trưởng này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phân tích, rà soát, xác định các nguồn thu có tiềm năng để đẩy mạnh các biện pháp quản lý, tăng thu cho ngân sách; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời tăng cường quản lý thuế, hạn chế nợ đọng thuế...

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt trên 31.218 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa ước đạt gần 95% so với dự toán và là 1 trong 8 địa phương có số thu ngân sách nội địa cao nhất của cả nước; thu xuất nhập khẩu ước đạt 5.220 tỷ đồng bằng 104,4% dự toán. Nhờ đó, Vĩnh Phúc tiếp tục không chỉ tự cân đối được ngân sách mà còn đóng góp cho ngân sách Trung ương. Giải ngân vốn đầu tư công của Vĩnh Phúc năm 2023 xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ và khối lượng giải ngân cao nhất kể từ năm 2016 và đạt trên 7.900 tỷ đồng, bằng 103,2% kế hoạch vốn Trung ương giao.

Điểm sáng nổi bật trong năm 2023 đối với Vĩnh Phúc là thu hút vốn đầu tư nước ngoài vượt kế hoạch. Môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm, chú trọng cải thiện. Chỉ số PCI, Chỉ số PAPI, Chỉ số PARINDEX đều ở top đầu của cả nước. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, giao cụ thể cho các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm với từng chỉ số thành phần, điểm danh, nhận diện cụ thể để nâng cao.

Các chính sách để tháo gỡ khó khăn được triển khai thông qua nhiều Hội nghị do UBND tỉnh, các sở, ngành tổ chức để tiếp nhận thông tin, đối thoại hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch bổ sung thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 -2030, Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030... làm cơ sở để cụ thể hóa triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Có thể kể đến như: chuyến xúc tiến đầu tư thành công tại Hoa Kỳ với việc thu hút, ký kết hợp tác cùng nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư và một số tổ chức xúc tiến thương mại; Chuyến thăm hữu nghị và tham dự Lễ kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc); tổ chức Hội nghị xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản; Hội nghị giao lưu kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản; tiếp đón và làm việc với hàng chục đoàn các nhà đầu tư từ các nước đến thăm, tìm hiểu môi trường của tỉnh .

Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh được tích cực triển khai tới hơn 1.000 lượt các nhà đầu tư và đại sứ quán Việt Nam tại các nước. Kết quả thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, số vốn FDI tăng cao so với cùng kỳ năm trước, vượt kế hoạch năm đề ra và số vốn DDI tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và vượt hơn bốn lần so với kế hoạch năm.

Nhiệm vụ lập, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng và xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung hoàn thiện hồ sơ lập điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và 03 đồ án quy hoạch chung đô thị loại IV Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo; Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp được tập trung triển khai.

Kết quả: Khu công nghiệp Bình Xuyên II- giai đoạn 2 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký tương đương trên 34 triệu USD; Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu công nghiệp Nam Bình Xuyên và Sơn Lôi được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc; bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Bình Xuyên

Các kế hoạch, chương trình như phát triển nhà ở, đề án chỉnh trang và phát triển bền vững đô thị đến năm 2030 cũng như công tác quản lý về hạ tầng kỹ thuật đều được triển khai có hiệu nhờ sự đồng lòng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự vào cuộc tích cực của các Ban, ngành, địa phương, đơn vị.

Đóng góp vào những con số tăng trưởng của tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tăng gần 5,3% so với năm 2022. Nỗ lực vượt khó khăn, Ngành Nông nghiệp tiếp tục thự hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12 ngày 12/3/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời, tham mưu với tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn để thúc đẩy sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân

Vĩnh Phúc đặt con người vào trung tâm của sự phát triển và tạo điều kiện thuận lợi để người dân có cơ hội hưởng thụ những thành quả từ sự phát triển kinh tế, đồng thời xác định bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tăng cường toàn tỉnh có 120 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 01 thôn đạt chuẩn thôn thông minh, 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; duy trì 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 02 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 04/9 huyện, thành phố tiếp tục thực hiện duy trì đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; năm 2023 có 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 03 sao trở lên, nâng tổng sản phẩm OCOP của tỉnh đến hết năm 2023 là 141 sản phẩm.

Đặc biệt, năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19 về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Đây là Nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất, được Nhân dân hưởng ứng tham thực hiện 14 tiêu chí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Chỉ trong 10 tháng thực hiện Nghị quyết, 28 thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu đã hoàn thành xong khu thiết chế văn hóa thể thao. Kết thúc năm 2023, có 13/28 thôn tổ dân phố đăng ký xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu đạt 50/58 tiêu chí thành phần. Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu là việc làm chưa có tiền lệ, góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt nông thôn ở Vĩnh Phúc.

Cùng với những kết quả về kinh tế, các chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo...tiếp tục được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, thể dục thể thao được quan tâm đầu tư đã góp phần ổn định xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung cao độ, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc nhấn mạnh mục tiêu thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ; bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển văn hóa,để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Vì lợi ích, vì hạnh phúc của người dân lấy đó làm động lực cho phát triển bền vững.

Thúy Hơn